Một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Thụy Sĩ đang nghiên cứu chế tạo mắt ruồi nhân tạo có khả năng hoạt động với độ cảm quan cao và nhạy bén như mắt của những loài côn trùng nhỏ. Đây là thông tin mới được đăng tải trên tạp chí khoa học Interface.
Mắt ruồi nhân tạo đang được nghiên cứu phát triển tại một phòng thí nghiệm công nghệ thông minh thuộc Đại học Bách khoa Lausanne. Nhóm nghiên cứu đã lấy cảm hứng từ đôi mắt của những loài côn trùng có cấu tạo bởi hàng nghìn mắt con hay còn gọi là cơ quan cảm quan cho phép chúng phát hiện, nhận biết tốc độ và hướng của tất cả các chuyển động dù là nhỏ nhất ngay cả khi không có nhiều ánh sáng.
Phiên bản mắt ruồi nhân tạo được cấu thành từ 3 bộ tách sóng quang siêu nhỏ hình lục giác nối với nhau thành một tam giác, được bao bọc bởi một thấu kính đơn.
Các hình ảnh thu được sẽ được chuyển tới một mạch vi xử lý để tổng hợp hình ảnh cuối cùng. Hình ảnh sẽ không được sắc nét, nó chỉ tương đương với một bức ảnh 3 picxel, nhưng đủ để nhận biết các chuyển động xung quanh, hướng duy chuyển và vận tốc di chuyển.
Với các ưu điểm như trọng lượng chỉ 2 mg, cạnh dài nhất là 2 mm, tiết kiệm nhiên liệu và có thể hoạt động ở điều kiện ít ánh sáng, những mắt điện tử tối tân này đặc biệt thích hợp để lắp đặt cho các máy bay không người lái mini giúp tăng khả năng tránh những va chạm, phục vụ hữu ích cho công tác cứu hộ và dịch vụ an ninh.
Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn kỳ vọng, những mắt ruồi nhân tạo này sẽ được ứng dụng để sản xuất các thiết bị hỗ trợ người khiếm thị và sẽ là một bộ phận quan trọng trong sản xuất ôtô không người lái./.