Thụy Sĩ quy định chặt hơn đối với hàng hóa sản xuất trong nước

Các sản phẩm từ thực vật và động vật (bao gồm cả sữa và sản phẩm sữa) muốn gắn nhãn sản xuất tại Thụy Sĩ cần phải sử dụng 100% thành phần ở trong nước.
Thụy Sĩ quy định chặt hơn đối với hàng hóa sản xuất trong nước ảnh 1Lắp ráp đồng hồ Thụy Sĩ. (Nguồn: bloomberg.com)

Bất chấp sự phản đối từ các hiệp hội doanh nghiệp, nội các Thụy Sĩ ngày 2/9 đã thông qua đề nghị nhằm thắt chặt hơn các quy định về việc sử dụng nhãn mác "Made in Switzerland" (Sản xuất tại Thụy Sĩ) đối với các loại hàng hóa khắp đất nước.

Các quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 nêu rõ các điều kiện mà doanh nghiệp phải tuân thủ đối với sản phẩm được coi là sản xuất tại Thụy Sĩ.

Các sản phẩm từ thực vật và động vật (bao gồm cả sữa và sản phẩm sữa) muốn gắn nhãn sản xuất tại Thụy Sĩ cần phải sử dụng 100% thành phần ở trong nước, còn đối với các sản phẩm thực phẩm thì yêu cầu tỷ lệ nguyên liệu có nguồn gốc Thụy Sĩ là 80%.

Pháp luật cũng cho phép ngoại lệ trong trường hợp nhất định đối với các nguyên liệu có nguồn gốc từ khu vực biên giới như vùng Pays de Gex và vùng Haute Savoie. Các khu vực biên giới khác sẽ chỉ được tính đến nếu đã được các nông dân Thụy Sĩ quản lý kể từ tháng 1/2014.

Các điều khoản đặc biệt cũng được áp dụng cho các sản phẩm như càphê và sôcôla đen, nơi các thành phần nguyên liệu không có sẵn ở Thụy Sĩ. Đối với các sản phẩm như vậy, công ty sẽ được phép gắn mác xuất xứ Thụy Sĩ nếu được chế biến hoàn toàn tại nước này. Song đối với sôcôla sữa, phải đáp ứng các điều kiện đối với nguyên liệu bản địa (sữa từ Thụy Sĩ) mới được gắn nhãn "Made in Switzerland."

Các mặt hàng công nghiệp có yêu cầu tỷ lệ ít nhất 60% chi phí sản xuất được thực hiện trong nước. Ngoài ra còn có chỉ dẫn về nguồn gốc địa lý chẳng hạn như đồng hồ "Genève", nước khoáng "Valais."

Chính phủ Thụy Sĩ cũng đang xem xét đề xuất của Liên đoàn công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ về việc thắt chặt các quy định về việc sử dụng từ "Thụy Sĩ" cho nhãn hiệu đồng hồ. Các hiệp hội ngành công nghiệp đồng hồ không chỉ muốn 60% chi phí sản xuất sẽ được thực hiện trong nước mà còn đòi hỏi rằng sự phát triển kỹ thuật và máy của đồng hồ cũng phải được làm ở Thụy Sĩ để xứng đáng với thương hiệu Thụy Sĩ.

Các doanh nghiệp Thụy Sĩ lập luận rằng quy định trên sẽ làm tổn thương khả năng cạnh tranh của sản phẩm của họ trong bối cảnh đồng franc mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.