Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam-Malaysia trong giai đoạn hậu COVID-19

Malaysia mong muốn xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm dầu cọ, trong khi có thể nhập khẩu với số lượng nhiều hơn các phương tiện vận tải và gạo của Việt Nam.
Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam-Malaysia trong giai đoạn hậu COVID-19 ảnh 1Bà Jamilah Haji Hassan, Giám đốc cấp cao phụ trách Hội nhập kinh tế ASEAN, Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur. (Ảnh: Mạnh Tuân/TTXVN)

Giám đốc cấp cao phụ trách hội nhập kinh tế ASEAN, Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia (MITI), bà Jamilah Haji Hassan đánh giá Việt Nam và Malaysia thực sự còn tiềm năng lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, nhất là lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Malaysia kỳ vọng mục tiêu kim ngạch thương mại hai nước năm 2025 sẽ đạt mức 18 tỷ USD.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob trong hai ngày 20-22/3 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, bà Jamilah chia sẻ rằng năm 2021, Malaysia đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất ASEAN với kim ngạch lên tới hàng tỷ USD.

Với Việt Nam, Malaysia chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như điện-điện tử, sản phẩm hóa chất, xăng dầu…

Malaysia hiện mong muốn xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm dầu cọ, trong khi có thể nhập khẩu với số lượng nhiều hơn các phương tiện vận tải và gạo của Việt Nam.

[Hoạt động thương mại giữa Việt Nam-Malaysia có nhiều tín hiệu tích cực]

Malaysia đánh giá gạo của Việt Nam có chất lượng tốt nhất và phù hợp nhất với nước này.

Malaysia cũng là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất và bất động sản với các tập đoàn lớn như Gemuda Berhad, Berjaya Corporation Berhad, Public Bank, CINB…

Quan chức cấp cao MITI khẳng định sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam theo hướng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ cao; sẵn sàng tạo điều kiện để các cơ quan nghiên cứu hai bên gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm; tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng thị trường lao động Việt Nam thông qua cung cấp các trang thiết bị lao động hiện đại và phù hợp.

Bà tin rằng các hợp tác này sẽ đặt nền móng cho sự phát triển của kinh tế ứng dụng công nghệ cao của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.

Việt Nam và Malaysia còn nhiều lĩnh vực tiềm năng khác có thể tập trung thúc đẩy như thực phẩm Hồi giáo Halal.

Bà Jamilah cho rằng hai nước đều có chiến lược về đảm bảo an ninh lương thực, với Việt Nam là giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2050, còn Malaysia là giai đoạn 2020-2030. Do vậy, một số công ty Malaysia hiện đang rất quan tâm thúc đẩy hợp tác với các công ty Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam-Malaysia trong giai đoạn hậu COVID-19 ảnh 2Người dân theo đạo Hồi tham quan, mua sắm tại cửa hàng thực phẩm Halal tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Về hợp tác Halal, Việt Nam đã xuất khẩu thực phẩm Hồi giáo Halal vào thị trường Malaysia từ năm 2016, với mức xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 5,32 tỷ RM, chiếm 17% kim ngạch nhập khẩu. Malaysia kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 nhà xuất khẩu thực phẩm Halal lớn nhất của Malaysia năm 2022.

Trong lĩnh vực này, Malaysia có thể chia sẻ kinh nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về các tiêu chuẩn của thực phẩm Hồi giáo Halal nhằm tạo thuận lợi trong tiếp cận nhiều hơn thị trường Halal Malaysia cũng như Halal thế giới.

Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal thông qua đơn vị phụ trách trực tiếp là Cơ quan Xúc tiến ngoại thương quốc gia Malaysia (MATRADE).

Trong số đó, Triển lãm Halal quốc tế Malaysia (MIHAS) 2022 là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.

Quan chức MITI cũng gợi ý hai bên có thể xem xét thúc đẩy hợp tác về sản xuất xe điện.

Năm 2019, Văn phòng đại diện MITI Malaysia tại Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác với Tập đoàn FPT Việt Nam trong các dự án tự động hóa, kết nối tự động, IoT và người máy.

Hai bên cũng đã cam kết tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực hiện có và mở rộng thêm các lĩnh vực mới liên quan xe điện và xe tự động.

Việt Nam và Malaysia sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Do vậy, hai nước hoàn toàn có thể đề ra các mục tiêu cao hơn nữa trong các lĩnh vực hợp tác còn nhiều tiềm năng, nhất là thương mại, đầu tư và thực phẩm Hồi giáo Halal.

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, với quan hệ hợp tác song phương hiện có và đều là các thành viên trong ASEAN, bà Jamilah nhận định Việt Nam và Malaysia hoàn toàn có thể xem xét việc tăng cường hơn nữa hợp tác phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Cụ thể, hai bên có thể cùng nỗ lực triển khai các sáng kiến kỹ thuật số để ứng dụng trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và kinh tế bền vững trong bối cảnh ASEAN đang đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của toàn khu vực.

Dự kiến từ ngày 1/4 tới, Malaysia sẽ mở cửa biên giới, do vậy hai bên càng có nhiều cơ hội để tăng cường hơn nữa kim ngạch thương mại song phương và đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.