Tiềm năng thương mại song phương Việt Nam-Campuchia còn rất lớn

Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Campuchia 2017 tổ chức tại thủ đô Phnom Penh nhằm mang lại các cơ hội kết nối kinh doanh cho các doanh nghiệp, khai thác hiệu quả dư địa thương mại giữa 2 bên.
Tiềm năng thương mại song phương Việt Nam-Campuchia còn rất lớn ảnh 1Campuchia tiếp nhận các đài phát sóng do Chính phủ Việt Nam tài trợ. Ảnh minh họa. (Nguồn; Chanh Đa/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 20/11, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tổ chức “Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Campuchia năm 2017” tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Tham dự diễn đàn có khoảng 300 đại biểu đến từ 2 nước, gồm đại diện Đại sứ quán Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi Bộ Công thương, Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thương vụ tại Campuchia, Bộ Thương mại, Phòng Thương mại, Hội đồng Phát triển Campuchia, cùng khoảng 250 doanh nghiệp của 2 nước.

Phát biểu tại diễn đàn, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nguyễn Trác Toàn cho biết năm nay là tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Từ đầu năm đến nay, các bộ ngành, địa phương 2 nước đã phối hợp chặt chẽ tổ chức thành công nhiều hoạt động quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân nhân,... góp phần đưa mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Đại biện lâm thời Nguyễn Trác Toàn cho biết thêm, 10 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại song phương đã đạt con số 3,125 tỷ USD, tăng 31,5 % so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến cả năm 2017, kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Việt Nam hiện có khoảng 196 dự án đầu tư tại Campuchia, với tổng số vốn đăng ký là 2,94 tỷ USD, nằm trong số 5 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia, đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước Chùa Tháp.

Nhiều năm qua, Việt Nam liên tục là nước dẫn đầu về số lượng khách du lịch sang Campuchia với gần 1 triệu lượt du khách.

Đại biện lâm thời Nguyễn Trác Toàn bày tỏ tin tưởng rằng với quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước, diễn đàn lần này sẽ góp phần tiếp tục biến các tiềm năng của hai nước thành hiện thực, thông qua việc cung cấp thông tin cập nhật về chính sách thương mại, đầu tư cũng như các ưu đãi cho doanh nghiệp hai nước, đồng thời, diễn đàn cũng là cơ hội để doanh nghiệp hai nước kết nối giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị với cơ quan chức năng hai nước kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Phát biểu tại diễn đàn, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại Campuchia Ho Sivyong khẳng định Campuchia vẫn tiếp tục duy trì chính sách đầu tư mở cửa, cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, không phân biệt quốc tịch, không hạn chế giao dịch ngoại tệ, kiểm soát vốn và kiểm soát giá của sản phẩm dịch vụ; có chính sách ưu đãi thuế.

[Hơn 100 doanh nghiệp dự Hội chợ Thương mại Việt Nam ở Campuchia]

Ông Ho Sivyong cho biết thêm Bộ Thương mại Campuchia đã có nhiều cải cách sâu rộng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư kinh doanh tại Campuchia, trong đó có việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức của bộ; tự động hóa việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đăng ký công ty và đăng ký thương hiệu. Do đó, ông bày tỏ tin tưởng rằng, các công ty Việt Nam sẽ được hưởng lợi qua những cải cách này.

Theo Bộ trưởng Ho Sivyong, tiềm năng thương mại song phương hiện còn rất lớn. Do vậy, với nỗ lực và quan hệ tốt đẹp của 2 nước, ông hy vọng diễn đàn lần này sẽ mang lại cơ hội kết nối kinh doanh cho các doanh nghiệp; và cũng là nơi giúp cho các cơ quan chức năng 2 nước ghi nhận các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, kịp thời có các đề xuất đến chính phủ tháo gỡ.

Tại diễn đàn, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp 2 nước đã trao đổi thông tin, tình hình và kiến nghị liên quan tới lĩnh vực đầu tư của 2 nước.

Các doanh nghiệp thông báo với đại diện Chính phủ và các doanh nghiệp Campuchia, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ Việt Nam đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy gia tăng các hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước như xây dựng và hoàn thiện luật pháp đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp; đàm phán, ký kết các điều ước và thỏa thuận với Campuchia, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm an toàn và thuận lợi cho các hoạt động đầu tư; có chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế, mở cửa thị trường, đào tạo nguồn lao động, hỗ trợ doanh nghiệp quân đội tham gia đầu tư vào Campuchia; thúc đẩy việc thực hiện các quy định về bảo đảm quyền lợi và tài sản của nhà đầu tư, hạn chế thiệt hại trong các trường hợp rủi ro, đặc biệt là rủi ro an ninh chính trị, thiên tai; hoàn thiện và phát triển hệ thống đường giao thông kết nối với Campuchia; xây dựng và triển khai kế hoạch, chiến lược chung giữa hai nước về phát triển cơ sở hạ tầng, viễn thông, tài chính, ngân hàng, thương mại; tuyên truyền, vận động các nhà đầu tư Việt Nam chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật Campuchia, pháp luật quốc tế trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Campuchia; …

Kiến nghị với chính phủ, các bộ, ngành liên quan của hai nước, các doanh nghiệp tham dự diễn đàn đề nghị, 2 bên cần tăng cường quan hệ phối hợp, hợp tác chặt chẽ, toàn diện hơn nữa, tạo cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đầu tư giữa hai nước thời gian tới.

Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư hai bên cần phối hợp chặt chẽ trong công tác xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư; thường xuyên cung cấp thông tin về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư để tiện cho việc rà soát, đối chiếu, theo dõi, quản lý sau cấp giấy chứng nhận đầu tư; tổ chức thường xuyên cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp Việt Nam với đại diện các cơ quan của chính phủ hai nước nhằm có cơ sở nắm bắt, giải quyết những vấn đề vướng mắc.

Các doanh nghiệp kiến nghị phía Campuchia cần sớm đưa ra nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó xác định rõ ngành, lĩnh vực, địa bàn, danh mục các dự án trọng điểm, ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam; không quy định và áp dụng hồi tố đối với các dự án đã cấp phép; phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; tăng cường cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh theo hướng đơn giản, đồng bộ, công khai, minh bạch và thống nhất; ban hành cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp Việt Nam, tương xứng với mối quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Campuchia năm 2017 được tổ chức song hành cùng Hội chợ Thương mại Việt Nam 2017 đang được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh từ ngày 18-22/11. Hai hoạt động xúc tiến đầu tư quan trọng này được xem là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.