Tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các tầng lớp nhân dân đã đăng ký chờ vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.
Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. (Nguồn: TTXVN)
Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 3/5, Lễ viếng đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế- quê hương của Đại tướng.

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các tầng lớp nhân dân đã đăng ký chờ vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Đồng chí ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, đồng chí đồng nghiệp, bạn bè và người thân...

Nhà lãnh đạo có đóng góp lớn cho sự nghiệp đối ngoại

Có mặt tại Nhà Tang lễ Quốc gia ( Hà Nội), ông Lê Bá Cải, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ cho biết, ông đến để bày tỏ lòng thương tiếc và kính trọng đối với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng gia đình người quá cố. Từng có thời gian làm việc, phục vụ Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong những năm 1992 đến 1995, ông Lê Bá Cải cảm nhận sâu sắc rằng, ở Chủ tịch nước luôn toát lên phong thái rất bình dị, cởi mở, hòa đồng, là tấm gương tận tụy, hết mình phấn đấu, lao động vì dân, vì đất nước.

[Video] Toàn cảnh Lễ Quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh

Chủ tịch nước Lê Đức Anh là người công minh, chính trực, có những đóng góp lớn cho hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước, đặc biệt là đóng góp lớn vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc.

Tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh ảnh 1Gia quyến đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào viếng. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Trước đó, trong cương vị là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông là một nhà cầm quân tài ba, quyết đoán và thường đưa ra các quyết định sáng suốt. Qua những lần tiếp xúc, làm việc, ông Lê Bá Cải nhận thấy, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là người thân mật, cởi mở.

Chủ tịch nước luôn quan tâm đến công tác "đền ơn đáp nghĩa" và đã đề xuất phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông thường căn dặn các cấp ủy, chính quyền phải hết sức chăm lo công tác này.

"Ai cũng phải tuân theo quy luật sinh tồn của tự nhiên. Tuy nhiên, sự ra đi của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh để lại những tiếc thương đối với Đảng, Nhà nước, gia quyến và nhân dân ta," ông Lê Bá Cải xúc động nói.

Vị tướng giản dị, gần gũi

Đại úy Phạm Xuân Hương (77 tuổi, Hà Nội), cựu binh của Đoàn tàu không số có mặt từ sớm tại Nhà Tang lễ Quốc gia để đợi vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Người cựu binh nhớ lại, tháng 10/1964, ông làm thợ máy trên chuyến tàu xuất phát từ Hải Phòng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Đây là chuyến tàu khó quên đối với ông Hương, bởi trên tàu lúc đó có đồng chí Lê Đức Anh cùng 3 cán bộ cao cấp khác.

Tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh ảnh 2Người dân đến đăng ký vào viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

“Lúc đó, tôi không biết đó là đồng chí Lê Đức Anh, mà chỉ thấy ông là cán bộ rất cao lớn, giản dị. Sau này, khi Đại tướng Lê Đức Anh giữ cương vị cao trong Quân đội và Nhà nước, tôi mới nhận ra đó là lãnh đạo đã đi cùng chuyến tàu không số năm xưa. Chuyến đi gian khó nhưng rất tự hào,” ông Hương chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Quốc, cựu binh của Đoàn tàu không số cho biết thêm, trong thời gian chống Mỹ cứu nước, Đoàn tàu không số có nhiệm vụ vận tải hàng hóa và đưa cán bộ, chiến sỹ vào miền Nam chiến đấu. Đường đi rất gian nan, nguy hiểm, có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng với quyết tâm cao, niềm tin chiến thắng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các chuyến tàu đã vượt qua mọi thử thách, đến bến an toàn. Đại tướng Lê Đức Anh luôn có sự chỉ đạo sâu sắc, kịp thời đối với Đoàn tàu không số, giúp Đoàn tàu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

“Đối với thế hệ chúng tôi, những vị lãnh đạo như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Lê Đức Anh… là những tấm gương sáng, là niềm tin để cán bộ, chiến sỹ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào việc giải phóng đất nước. Hôm nay, chúng tôi đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh với tấm lòng trân trọng, kính mến và tình cảm chân thành nhất,” ông Quốc xúc động cho biết.

Ông Hà Đăng Tiến, 55 tuổi (Ba Vì, Hà Nội) có mặt tại Nhà Tang lễ Quốc gia từ 6 giờ để chờ vào viếng Đại Tướng Lê Đức Anh. Ông Tiến cho hay, được tin Đại tướng ra đi, ông thấy rất buồn, cảm giác như mất đi một người thân. Đại tướng Lê Đức Anh là người có công lao lớn với dân tộc trong quá trình đấu tranh bảo vệ tổ quốc cũng như công cuộc xây dựng đất nước.

“Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị lãnh đạo Ðảng, Nhà nước xuất sắc, luôn đổi mới, quyết đoán, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và cũng rất giản dị, sâu sắc, nhân văn trong cuộc sống, được nhân dân yêu mến...,” ông Hà Đăng Tiến xúc động nói.

Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng-An ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, với tình cảm sâu nặng và ý thức trách nhiệm lớn lao, Ðại tướng Lê Ðức Anh luôn chỉ đạo quyết liệt vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng và là một trong những người đưa ra ý tưởng xây dựng khu vực phòng thủ, các khu kinh tế-quốc phòng trên địa bàn chiến lược mà chúng ta đã và đang triển khai thực hiện.

Bà Mai Thị Nhật, 83 tuổi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bà đã từng được diện kiến Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh và thấy đây là vị tướng, người lãnh đạo luôn vì dân, gần gũi và tình cảm với nhân dân.

“Đại tướng hỏi han rất ân cần về đời sống sinh hoạt, cũng như những tâm tư, nguyện vọng của người dân trong lần tiếp xúc cử tri cách đây đã mấy chục năm,” cụ Mai Thị Nhật chia sẻ.

Người cộng sản, chiến sỹ cách mạng kiên trung, người chỉ huy quân sự tài ba

Từ 7 giờ ngày 3/5, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, từng đoàn đại biểu của Trung ương và địa phương cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân lần lượt đăng ký chờ tới lượt vào viếng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Tất cả đều chung một tấm lòng hướng về người lãnh đạo gần gũi, giản dị với những tình cảm kính trọng, niềm tiếc thương một người con ưu tú của đất nước, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh ảnh 3Các đồng chí cựu chiến binh vào viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều đóng góp quan trọng đối với Đảng, Nhà nước và quân đội. Hình ảnh Đại tướng Lê Đức Anh với nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch suốt hai cuộc kháng chiến đã in sâu vào tâm trí nhiều người từng được công tác với ông.

Đến viếng từ rất sớm, lặng lẽ ngồi chờ trong hội trường, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tòng (90 tuổi), nguyên Phó Chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9 bồi hồi chia sẻ, là cấp dưới trực tiếp của Đại tướng Lê Đức Anh (thời điểm đó là Tư lệnh Quân khu 9), bác Sáu Nam là vị tướng tốt, tướng giỏi. Sau này, dù giữ nhiều cương vị khác nhau, bác Sáu vẫn giữ liên lạc với anh em chúng tôi. Mỗi khi vào Thành phố Hồ Chí Minh, bác đều dành thời gian gặp anh em.

Đến viếng người đồng chí thân thiết, cực chiến binh Nguyễn Văn Hanh (80 tuổi) bồi hồi chia sẻ: “Là đồng hương và chiến đấu cùng thời với Đại tướng Lê Đức Anh, đồng chí rất thân tình với tôi. Tôi rất kính phục tài chỉ huy và đức độ của đồng chí”. Nhớ lại kỷ niệm thời chiến, ông Nguyễn Văn Hanh kể: “Trong điều kiện chiến tranh gian khổ, đồng chí đã trực tiếp tới động viên trung đoàn tôi ở chiến trường Long Mỹ, Cần Thơ. Thời chiến tranh bên Campuchia, tôi cũng được làm lính của đồng chí 10 năm liền, rất bình tĩnh, sáng suốt trong chỉ huy. Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí có quyết tâm, táo bạo, sáng suốt chỉ đạo.”

Khóe mắt cay cay, bà Hồ Thị Kiều Thu cho biết bà từ Huế vào Thành phố Hồ Chí Minh viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Là con của Liệt sỹ Hồ Nguyên, người giới thiệu Đại tướng Lê Đức Anh vào Đảng bà chia sẻ, ông là người hiếm có trong cuộc sống, liêm khiết và chân chính nhất. Vì thế dù xa xôi, bà nhờ con gái đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh để tiễn đưa Đại tướng và chia sẻ nỗi mất mát to lớn của gia đình.

Lặng lẽ ghi sổ tang, bà Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, Đại tướng Lê Đức Anh là người lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã để lại nhiều bài học quý báu cho chúng ta noi theo.

Trong phòng ghi sổ tang, những dòng cảm xúc của những đồng chí lãnh đạo từng công tác với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh thể hiện niềm tiếc thương, sự kính trọng, chân thành và xúc động.

Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7 viết: “Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 9 và cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh - một nhà chính trị lớn, nhà quân sự tài ba, luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, có tư duy sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; một chiến sĩ cách mạng tài trí, kiên cường, một vị tướng, vị tư lệnh - chính uỷ đức độ tài năng suốt đời gắn với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang Quân khu 7. Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - vĩnh biệt bác Sáu Nam kính mến.”

Giám quản Tổng tòa, Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Mạnh Hùng xúc động ghi vào sổ tang: “Cùng với đồng bào cả nước, Hồng y, các giám mục, linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân công giáo của Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh vĩnh biệt Ngài Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vĩnh biệt nhà lãnh đạo tài ba đã góp phần to lớn cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.”

Dấu ấn thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước

Trong quá trình công tác của mình, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác đối ngoại.

Đại tá Đinh Công Ty, Trưởng Ban liên lạc Chiến sỹ Trường Sơn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, "Đoàn bộ đội Trường Sơn gồm 20 đồng chí đại diện cho hơn 1.000 chiến sỹ Trường Sơn tại Thành phố Hồ Chí Minh đến viếng Đại tướng. Đại tướng là người có nhiều công lao đối với Đảng, dân tộc ta và bạn bè quốc tế. Đồng chí là vị tướng tài giỏi, đức độ, tác phong giản dị, sâu sát với cấp dưới. Đồng chí ra đi khiến chúng tôi rất thương tiếc một người tướng tài. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, cánh quân phía Tây Nam do chính đồng chí lúc đó là Thiếu tướng chỉ huy Quân đoàn 232 để tấn công quân địch tại Bến Lức, Long An, tạo điều kiện cho 4 cánh quân giải phóng Sài Gòn."

Trên lĩnh vực đối ngoại, thời kỳ công tác tại Bộ Quốc phòng, đồng chí đã đi thăm nhiều quốc gia, đặc biệt cuộc gặp đồng chí Fidel Castro tại Cuba rất cảm động. Trong các chuyến thăm, đồng chí đều bày tỏ tình cảm rất trân trọng tình nghĩa quốc tế đối với Liên Xô, Trung Quốc, Cuba rất chí tình và luôn ghi ơn sự giúp đỡ của các nước bạn về tinh thần, vật chất, tạo nên thắng lợi của chúng ta.

Tại lễ viếng, nhiều đoàn ngoại giao cũng đã tới viếng Đại tướng Lê Đức Anh và viết sổ tang. Ghi sổ tang, bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi lời chia buồn sâu sắc và cho biết, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đóng góp một phần quan trọng vào quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ ngoại giao và hiểu biết lẫn nhau với Tổng thống Bill Clinton vào năm 1995.

Ông Im Heng, Tổng Lãnh sự Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự thương tiếc và cảm ơn ngài Lê Đức Anh, người đã chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu giải phóng nhân dân Campuchia khỏi hoạ diệt chủng Pon Pot, giúp cho Campuchia hiện nay phát triển như nước lân cận. Chính phủ và nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ sự hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam, xin gửi lời chia buồn sâu sắc.

Xúc động và thành kính tưởng nhớ

Ngay từ sáng sớm 3/5, trên quê hương đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, đông đảo lãnh đạo, cán bộ và nhân dân đã tề tựu đông đủ tại Hội trường Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế thành kính vào viếng, tưởng nhớ tới người con của quê hương, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ thành kính vào viếng và trân trọng ghi vào sổ tang: "... Bác ra đi là tổn thất to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung và cán bộ, chiến sỹ đồng bào Thừa Thiên-Huế. Chúng cháu tự hào có Bác, người tướng lĩnh tài ba của dân tộc, người con trung hiếu của đất nước, quê hương..."

Vào viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hóa, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân khu 4 xúc động lưu vào sổ tang khẳng định cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 4 bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn và nguyện đoàn một lòng noi gương, kế tục sự nghiệp cách mạng của đồng chí cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu đi theo con đường cách mạng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đoàn đại biểu Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại thành phố Đà Nẵng do đồng chí Viengxay Phommachanh dẫn đầu đã đến Hội trường Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt vòng hoa viếng Đại tướng Lê Đức Anh.

Xúc động ghi sổ tang, đồng chí Viengxay Phommachanh viết: "Đảng, Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào vô cùng thương tiếc đồng chí Lê Đức Anh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chúng tôi luôn nhớ đến đồng chí vị Đại tướng tài giỏi đầy bản lĩnh của cách mạng và dân tộc Việt Nam. Người không những đã đóng góp công sức to lớn vào công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước Việt Nam mà còn góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Không những là vị tướng tài ba trên mặt trận, đồng chí Lê Đức Anh còn là nhà lãnh đạo xuất sắc và có tầm nhìn xa trông rộng trong công việc đổi mới của đất nước Việt Nam."

Trong sáng nay, tại nhà thờ họ tộc của Đại tướng Lê Đức Anh, bên dòng sông Truồi - nơi ông từ lớn lên ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, các đoàn đại biểu và đông đảo họ hàng thân tộc, các tầng lớp nhân dân đã đến viếng, dâng hương kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với vị tướng tài ba của dân tộc.

Thắp nén tâm nhang, bà Lê Thị Xoan, em gái ruột Đại tướng Lê Đức Anh bùi ngùi chia sẻ: “Anh tôi là người hết mực yêu thương, chăm lo cho người thân. Trước ngày vào Nam hoạt động cách mạng, anh tôi đi dạy học, mỗi lần về nhà là cõng tôi lên vai và đi chơi khắp xóm. Mãi sau ngày giải phóng anh mới về thăm nhà, khi đó, tính cách anh vẫn không thay đổi, luôn ân cần, gần gũi với mọi người. Giờ này, anh tôi đã ra đi, để lại những tiếc thương vô hạn và là niềm tự hào cho gia đình, người thân."

Ông Lê Đình Hàng, 85 tuổi, làng Bàn Môn, xã Lộc An xúc động trước sự ra đi của vị Đại tướng - người con xuất sắc của quê hương Thừa Thiên-Huế. Ông thấy tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Đại tướng là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã đi xa nhưng trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam vẫn còn mãi hình ảnh một nhà lãnh đạo đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục