Tiền Giang đề mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3,25 tỷ USD

Trong năm 2020, Tiền Giang đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tỷ USD, bằng 88,2% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, giảm 8,1% so với năm 2019.
Tiền Giang đề mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3,25 tỷ USD ảnh 1Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, năm 2021, Tiền Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại 3,25 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2020.

Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống; đồng thời mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới, chú trọng các thị trường đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao mà Việt Nam đã ký kết thông qua Hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, ngành công thương tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan tới các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác.

Theo ông Đặng Văn Tuấn, Tiền Giang chú trọng việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo về quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do để giúp các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, cập nhật những quy định mới, tận dụng được hiệu quả từ các cơ hội do Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, giúp chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu và thu hút ngoại tệ.

[Tiền Giang: Khắc phục khó khăn, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng]

Để đạt mục tiêu về tăng trưởng xuất khẩu, Tiền Giang yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư kiện toàn trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, đáp ứng nhu cầu của đối tác, khách hàng; đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 201-2020 và định hướng đến năm 2030.

Qua đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn, đầy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa, tránh rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

Tỉnh chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thương mại-dịch vụ nói chung, lĩnh vực xuất khẩu nói riêng; xúc tiến thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, chiếm lĩnh và mở rộng thị trường xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài ra, địa phương có giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mà trọng tâm là chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, tạo thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa chủ lực của doanh nghiệp, địa phương.

Do tác động của dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, trong năm 2020 vừa qua, Tiền Giang đã đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tỷ USD, bằng 88,2% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, giảm 8,1% so với năm 2019.

Tuy vậy, đáng mừng là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực; trong đó, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 76,5% còn lại là nhóm hàng nông, thủy sản.

Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao gồm ống đồng ước đạt 601,5 triệu USD, tăng 5,7% so với năm ngoái; gạo đạt 131,8 triệu USD, tăng gần gấp đôi so; giày đạt trên 450 triệu USD, tăng 1%…

Thị trường xuất khẩu mở rộng sang các nước khu vực châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, các nước ASEAN,…

Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm ứng phó với khó khăn, thách thức do dịch bệnh cùng sự cạnh tranh thị trường…Từ đó, có giải pháp khắc phục để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra về tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.