Tiền Giang: Hợp tác xã liên kết giải quyết đầu ra cho nông sản

Thông qua liên kết sản xuất-tiêu thụ, mỗi HTX cung ứng từ 4-6 tấn rau/ngày cho thị trường, lợi nhuận và hiệu quả kinh tế từ trồng rau màu cũng nâng lên, giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tiền Giang: Hợp tác xã liên kết giải quyết đầu ra cho nông sản ảnh 1Chăm sóc rau màu ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Trong vụ Đông Xuân 2022-2023, nông dân Tiền Giang đã xuống giống được gần 18.000ha rau màu các loại, đạt gần 31% chỉ tiêu cả năm, trong đó có 1.570ha rau màu luân canh trên chân ruộng.

Đến đầu tháng 2/2023, bà con đã thu hoạch được trên 13.000ha với sản lượng trên 274.000 tấn rau màu các loại cung ứng thị trường trong ngoài tỉnh, đạt trên 22% chỉ tiêu kế hoạch cả năm.

Hiện nay, vùng trung tâm của tỉnh là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất tỉnh với diện tích canh tác tập trung hơn 3.500ha, chủ yếu tại huyện Châu Thành, Chợ Gạo và xung quanh thành phố Mỹ Tho. Sản lượng mỗi năm đạt hơn 500.000 tấn, chiếm gần 50% tổng sản lượng rau màu toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tại các huyện, thị nằm trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, nông dân đang quan tâm phát huy thế mạnh rau màu trong tái cơ cấu sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tại đây, cây rau đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực, cho thu nhập cao nên ngày càng tăng về diện tích, năng suất và chất lượng, với chủng loại rau đa dạng và phong phú với khoảng 40 chủng loại rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị... đã khẳng định vai trò là một trong các thế mạnh về nông nghiệp hàng hóa của vùng.

[Tiền Giang bảo tồn và phát triển làng nghề, tăng thu nhập cho nông hộ]

Việc ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh, nâng cao hiệu quả trồng trọt được địa phương hết sức chú trọng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến được phổ cập như trồng rau thủy canh, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng; sử dụng màng phù nông nghiệp…

Đồng thời việc cơ giới hóa các khâu sản xuất từ làm đất đến phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiêu… đang được nông dân các vùng chuyên canh rau màu tại Tiền Giang áp dụng rộng rãi trong vụ Đông Xuân 2022-2023 nhằm cho ra nông sản an toàn, chất lượng, được thị trường ưa chuộng.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã có gần 210ha rau màu được chứng nhận đạt tiêu chí VietGAP. Đáng chú ý, để phát triển bền vững ngành hàng rau màu thích ứng biến đổi khí hậu, tại vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh đã hình thành mạng lưới các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên canh rau màu.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò tích cực trong tổ chức lại sản xuất, tập hợp nông dân, mở rộng vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn VietGAP đồng liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, bà con an tâm đẩy mạnh sản xuất.

Đặc biệt, việc liên kết trong sản xuất-tiêu thụ cũng được các hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên canh rau màu hết sức chú trọng nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa.

Điền hình như Hợp tác xã rau an toàn Gò Công (thị xã Gò Công), Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị (Gò Công Đông), Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông), Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây)… nhiều năm nay đều ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ cung cấp rau an toàn cho các siêu thị, bếp ăn tập thề, cửa hành kinh doanh nông sản sạch trong ngoài tỉnh.

Thông qua liên kết sản xuất-tiêu thụ, trung bình mỗi hợp tác xã cung ứng từ 4-6 tấn rau/ngày cho thị trường với 38-40 chủng loại rau khác nhau phục vụ nhu cầu nhân dân. Nhờ vậy, lợi nhuận và hiệu quả kinh tế từ trồng rau màu cũng đã nâng lên, giúp nông dân các vùng rau màu chuyên canh ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.

Cụ thể, qua khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, lợi nhuận từ trồng rau màu bình quân đạt trong khoảng 47,4 triệu đồng/ha/vụ đến 290 triệu đồng/ha/vụ tùy theo loại màu, cao hơn từ 2,2 đến 13,3 lần so với lợi nhuận từ trồng lúa độc canh trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.