Tiền Giang mở rộng liên kết sản xuất trái cây đặc sản xuất khẩu

Tiền Giang hiện có trên 77.700ha vườn trồng cây ăn quả các loại với nhiều chủng loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như vú sữa, xoài cát, sầu riêng, thanh long.
Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tiền Giang hiện có trên 77.700ha vườn trồng cây ăn quả các loại với nhiều chủng loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo.

Hằng năm, sản lượng trái cây phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu đạt trên 1,5 triệu tấn.

Địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp nâng hiệu quả kinh tế, chất lượng, đầu ra cho cây ăn quả chủ lực với việc quy hoạch vùng nguyên liệu, mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tiền Giang đã xây dựng được vùng nguyên liệu xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chí VietGAP. Diện tích khoảng 100ha gắn mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ xoài tại Hợp tác xã Hòa Lộc (Cái Bè).

Hợp tác xã hợp đồng cung cấp 100-150 tấn xoài cát Hòa Lộc/năm đạt chuẩn VietGAP phục vụ thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Hachando xuất khẩu sang Nhật Bản.

Thanh long là loại trái cây xây dựng 3 mô hình liên kết-tiêu thụ với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại doanh nghiệp: Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (Chợ Gạo), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Việt (Chợ Gạo), Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến nông sản Cát Tường (thành phố Mỹ Tho).

Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An xây dựng vùng nguyên liệu 30ha đạt chứng nhận GlobalGAP liên kết với doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sản phẩm cung cấp, đóng gói xuất khẩu theo yêu cầu tới các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan… Sản lượng đạt 40-60 tấn/năm.

[Xúc tiến thương mại giúp đưa trái cây Tiền Giang hội nhập]

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Việt xây dựng vùng nguyên liệu thanh long sản xuất theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP trên diện tích khoảng 130 ha. Doanh nghiệp cung cấp 3.000-4.000 tấn thanh long sạch/năm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, châu Âu.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến nông sản Cát Tường xây dựng vùng nguyên liệu thanh long đạt chuẩn GlobalGAP với diện tích hàng trăm ha, gắn kết nhà máy đóng gói đạt chuẩn.

Hệ thống kho mát hiện đại, sức chứa 2.000 tấn và nhà máy xử lý nhiệt hơi nước cho trái cây tươi.

Những yêu cầu kỹ thuật trên đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trái cây tươi đối với thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Địa phương đã hình thành mô hình liên kết sản xuất-xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ với sự tham gia nhiều doanh nghiệp tiềm lực lớn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Đại Lâm Mộc.

Mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ bưởi da xanh được thực hiện tại ấp Bình Thành, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho từ năm 2016.

Thông qua mô hình, mỗi năm sản lượng đạt trung bình 400 tấn bưởi da xanh vùng chuyên canh Tân Mỹ Chánh, được cơ sở Hương Miền Tây (Bến Tre) thu mua với giá hợp lý.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết thành quả bước đầu từ hạt nhân là hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng vùng nguyên liệu trái cây đặc sản đạt chuẩn chất lượng, giúp tiềm năng kinh tế vườn ở địa phương khởi sắc.

Thời gian tới, tỉnh nhân rộng, gắn kết chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, xử lý cho thu hoạch rải vụ, cơ giới hóa khâu canh tác… góp phần phát triển bền vững kinh tế địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục