Theo ông Nguyễn Văn Đậm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, chương trình phát triển kinh tế số đã mang lại những hiệu quả tốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tỉnh Tiền Giang hiện có trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành cũng như sản xuất kinh doanh). Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 6,68% tổng GRDP của tỉnh (tương đương 8.219 tỷ đồng).
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực, OCOP lên sàn Giao dịch điện tử tỉnh Tiền Giang (http://sangiaodich.tiengiang.gov.vn) với 95 sản phẩm. Tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng tên miền .vn là 2.432/6.012 (đạt 40,45%).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Chuyển đổi Số ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang năm 2024 thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của ngành trên địa bàn tỉnh trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch chuyển đổi số của ngành cũng như của tỉnh. Từ đó đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phường.
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận, sử dụng các nền tảng chuyển đổi số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử...
Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp thuế điện tử là 5.747/6.012 (đạt 95,59%). Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch là 4.878/6.012 (đạt 81,14%).
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có 211 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện điện tử như phần cứng, phần mềm...
Trong đó, có 10 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, cung cấp dịch vụ phần cứng, điện tử; 160 doanh nghiệp phân phối, buôn bán sản phẩm công nghệ thông tin; 12 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các dịch vụ phần mềm, nội dung số và 25 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ khác.
Đối với phát triển thương mại điện tử, tỉnh hiện có 182/263 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được đăng bán trên các trang thương mại điện tử. Tỉnh tiếp tục cập nhật thông tin về các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh và thông tin giá cả thị trường trên trang Cổng thông tin nông nghiệp Tiền Giang và Phần mềm dữ liệu nông nghiệp.
Theo ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, phát triển kinh tế số, hướng tới kết nối thị trường xuất khẩu bền vững là một trong những nội dung quan trọng được ngành chú trọng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở tập trung triển khai giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử và đẩy mạnh sử dụng các giải pháp số trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, những biện pháp chuyển đổi số - kinh tế số hiệu quả để kết nối cung cầu hàng hóa thu hút nhiều lượt người tham gia.
Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức phát triển kinh tế số trong cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình, bước đầu triển khai tiêu thụ sản phẩm lên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ giới hạn trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh và toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Đậm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tiền Giang, trao đổi: Từ nay đến cuối năm 2024, Sở tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó tập trung vào hoạt động truyền thông rộng rãi Chương trình smedx (https://smedx.vn) hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; sử dụng tên miền quốc gia “.biz.vn.”
Đơn vị tập trung tuyên truyền doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số trên Cổng DBI của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ https://dbi.gov.vn/danh-gia-chuyen-doi-so và Cổng thông tin và cơ sở dữ liệu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại địa chỉ https://digital.business.gov.vn/danh-gia-1.
Ngoài ra, đơn vị sẽ tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế số; triển khai hoạt động giới thiệu, xúc tiến cung - cầu giữa doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp tỉnh./.
Hà Nội phải đi đầu trong phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số
Thủ tướng chỉ đạo thành phố Hà Nội phải phấn đấu là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.