Tiếng lòng tri ân những người thầy không phấn trắng, bảng đen

Ít ai biết được rằng, “ngôi trường” của những người nghiện ma túy chính là các trung tâm cai nghiện, trong không khí của ngày 20/11, những người “học trò” đang cất cao lời ca, tiếng hát tri ân thầy cô
Tiếng lòng tri ân những người thầy không phấn trắng, bảng đen ảnh 1Một buổi học kỹ năng sống tại Trung tâm Chữa bệnh và Giáo dục lao động xã hội số 5. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Vẫn là những lời ca tiếng hát, những tờ báo tường tặng các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nhưng không phải là từ những người học sinh, sinh viên lứa tuổi 18, 20, họ là những người “học trò” đã từng lầm lỡ, nghiện ma túy, đang đến “trường” học cách để làm lại cuộc đời.

Ít ai biết được rằng, “ngôi trường” của những người nghiện ma túy chính là các trung tâm cai nghiện. Trong không khí của ngày 20/11, ở những trung tâm cai nghiện cũng đang có những người “học trò” cất cao lời ca, tiếng hát tri ân thầy cô của họ.

Tại Trung tâm Chữa bệnh và Giáo dục lao động xã hội số 5 (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội), những lời tri ân của những người “học trò” nơi đây dành cho các thầy cô được gói gọn trong tờ báo tường được trang trí bắt mắt bởi người học viên trước khi vào trung tâm để cai nghiện từng là thợ săm. Báo tường cũng đầy đủ mục xã luận, tự sự, thơ, góc cười... với những câu chữ giản dị, mộc mạc và gần gũi những chứa đựng sự biết ơn sâu sắc.

Ngày đầu bước vào Trung tâm Chữa bệnh và Giáo dục lao động xã hội số 5 với biết bao sự bỡ ngỡ, lo âu, cảm giác lo sợ và dò xét bao trùm, nhưng anh Đỗ Hải Triều dần dần đã thay đổi suy nghĩ coi nơi đây như một “ngôi trường” học để làm lại cuộc đời: “Gần những người cán bộ, những người thầy cô không gắn với phấn trắng bảng đen, không lên lớp với những trang giáo án, mà họ dạy chúng tôi, uốn nắn chúng tôi thay đổi hành vi nhân cách, dạy chúng tôi cách đối nhân xử thế.”

“Con người chúng tôi trước khi bước vào đây với biết bao thói hư tật xấu. Tôi luôn coi đây là trường học lớn nhất trong đời mình, có những bài học tôi sẽ không bao giờ quên. Chúng tôi được học những bài học làm người, được lao động để tìm lại giá trị bản thân, được rèn luyện sức khỏe để đẩy lùi ma túy và được sinh hoạt lành mạnh, giao lưu văn nghệ. ‘Nhất tự vi sư, bán tự vi sư’, chúng tôi những học viên của trung tâm số 5 rất mốn gửi tới các thầy cô lòng biết ơn sâu sắc, những lời chúc tốt đẹp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam,” anh Đỗ Hải Triều tâm sự.

Tiếng lòng tri ân những người thầy không phấn trắng, bảng đen ảnh 2Báo tường ngày 20/11 với tựa đề "Người đi gieo hạt" của những người "học trò" đang cai nghiện. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Chắc có lẽ khó ai có thể hình dung rằng những cán bộ trong các trung tâm cai nghiện cũng là những thầy cô, ở đây không có phấn trắng bảng đen nhưng vẫn tồn tại một tình thầy trò. Nhân ngày 20/11, anh Nguyễn Nam Thắng (học viên Trung tâm Chữa bệnh và Giáo dục lao động xã hội số 5) đã sáng tác bài thơ “Tri ân thầy cô” gửi tới các thầy cô của mình.

“20 tháng 11 năm nay
Là ngày kỷ niệm của thầy của cô
Cũng là hai chữ thầy cô
Thầy cô đây khác thầy cô giáo nhiều
Thầy cô vất vả sớm chiều
Vì chúng em đã mắc nhiều điều sai
Sáng trưa chiều tối ở đây
Lo từng giấc ngủ, đến từng bữa ăn
Ngày trời mưa rét căm căm
Mà thầy cô đó, em xao xuyến lòng
Ơn thầy ghi khắc trong tâm
Ơn cô em nhớ để mai dựng đời
Mai sau đứng dậy được rồi
Làm người lương thiện đáp đền thầy cô.”

Không chỉ là trường học, với những học viên đây còn là “Ngôi nhà tình thương” giống như bài thơ mà anh Phạm Anh Dũng (học viên Trung tâm Chữa bệnh và Giáo dục lao động xã hội số 5 ) sáng tác. Ở nơi đây, thầy cô không quản ngày đêm, mưa rét vẫn sát cánh “chữa bệnh” cho những người “học trò” của mình.

Có lẽ, không có món quà nào ý nghĩa hơn đối với những người thầy, người cô ở trung tâm cai nghiện bằng sự thức tỉnh, quyết tâm rèn luyện của những người “học trò”. Những giờ học tập, rèn luyện, lời dạy của thầy cô đã giúp những học viên nơi đây tìm lại được giá trị của bản thân, của tình cảm gia đình, tình người để họ có động lực, quyết tâm trở về làm lại cuộc sống. Bài thơ “Không đề” như lời hứa của những người “học trò” và cũng chính là một món quà, là thành quả dạy dỗ của những người thầy, người cô nơi đây.

“Đêm Xuân Phương lòng bồi bồi nhớ lại
Viết mấy dòng tâm sự cùng bạn đây
Đã bao lâu mẹ ngậm đắng nuốt cay
Lệ mẹ rơi đầm đìa trên đôi vai gầy của mẹ
Có lẽ nào mẹ ơi còn làm thế
Can tâm làm suối lệ mẹ cạn khô
Mà hôm nay con ở trung tâm xa
Cong kính gửi ngàn lời xin lỗi mẹ
Dù còn có đi xa đến chân trời góc bể
Con vẫn tin mẹ đưa đường chỉ lối
Các thầy dạy con phải biết nhớ biết thương
Phải biết yêu cuộc sống mến thương bạn bè
Phải lao động để ngày một thêm vững bước
Phải rèn luyện để chuộc lỗi cho mình
Con sẽ rèn luyên và học tập chăm chỉ
Để không phụ công thầy cô dạy dỗ
Ơn mẹ cha nuôi nấng chăm lo!”

Những học viên Trung tâm Chữa bệnh và Giáo dục lao động xã hội số 5 (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội) tập hát tặng thầy cô nhân ngày 20/11.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục