Tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 không thể “yếu” tiếng Anh

Sự chuyển đổi từ cuộc cách mạng lần thứ ba sang lần thứ tư là một quá trình diễn ra từ từ và xuất hiện tại các quốc gia từ nhiều năm nay, Việt Nam cần phải tạo dựng nhiều yếu tố nền tảng để tiếp cận.
Tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 không thể “yếu” tiếng Anh ảnh 1Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam trả lời phỏng vấn. (PV/Vietnam+)

“Ngôn ngữ là một trong những yếu tố tiên quyết để có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mặc dù, Việt Nam đã phổ cập tiếng Anh từ rất sớm, với tốc độ tương đối nhanh, khoảng 30% dân số tiếp cận ngôn ngữ này, song tại những nước đứng đầu về khai thác kinh tế số, công nghệ thông tin…, trên 90% dân số là thông dụng tiếng Anh và một nửa dân số của họ nói thêm một, hai thứ tiếng khác.”

Tại cuộc trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam - VPSF, đã nhấn mạnh ngôn ngữ quốc tế là yếu tố cần thiết để phát triển một nền kinh tế tri thức.

- Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông, Việt Nam đã tận dụng và tiếp cận cuộc cách mạng như thế nào?

Ông Đào Huy Giám: Trước hết cần phải nhìn nhận rõ ràng, sự chuyển đổi từ cuộc cách mạng lần thứ ba sang lần thứ tư là một quá trình diễn ra từ từ và xuất hiện tại các quốc gia từ nhiều năm nay.

Có thể thấy quá trình tham gia đàm phán trong ASEAN từ 20 năm qua, Singapore đã khẳng định mục tiêu xây dựng thành quốc đảo thông minh với kinh tế tri thức. Theo đó, các nước trong khối ASEAN cũng đã ngồi lại và bàn với nhau về phương hướng phát triển nền kinh tế tri thức tại thời điểm đó.

Một nền kinh tế tri thức, trước hết dựa vào công nghệ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học mới, nền tảng công nghệ thông tin và internet… Đến nay nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã chú trọng tiếp cận những nội dung trên, song chủ yếu mới dừng ở mức độ tận dụng và khai thác ở một chừng mực nào đó.

Để khai thác tốt cuộc cách mạng này, Việt Nam cần phải tạo dựng nhiều yếu tố nền tảng tốt hơn nữa. Như môi trường số, hiện nay có khoảng 50% dân số dùng internet, nhưng băng thông rộng để cung cấp lại ở mức độ thấp hơn.

Hay như một số hạn chế về kiểm soát mạng, mặc dù điều này có hiệu quả về mặt an ninh song lại chưa hiệu quả về kinh tế. Việc thiếu tự do hoạt động trên mạng sẽ hạn chế môi trường sáng tạo, do đó sẽ không thể phát triển những công ty như Facebook, Yahoo, Hotmail… trong tương lai.

Ngoài ra, tôi cho rằng phải phát triển môi trường ngôn ngữ quốc tế, mà tiếng Anh là điều kiện không thể thiếu trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải tận dụng và khai thác tốt khu vực kinh tế tư nhân, sức sáng tạo của tri thức trẻ, kết nối mạng lưới hợp tác, kinh nghiệm khai thác vốn và thị trường từ các khu vực kinh tế trong nước và quốc tế.

- Khởi nghiệp sáng tạo là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế tri thức, Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam sẽ đóng góp gì để thúc đẩy hoạt động này?

Ông Đào Huy Giám: Bản thân Diễn đàn Kinh tế Tư nhân cũng là một sự khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên khác với doanh nghiệp, VPSF không tạo ra lợi nhuận nhưng tạo ra giá trị gia tăng.

Mục tiêu của VPSF là ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân. Bởi tại Việt Nam, khu vực này đang trở thành trào lưu, một xu hướng tất yếu, với tiềm năng đem lại giá trị căn bản, tạo ra những đột phá phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Khởi nghiệp sáng tạo cần phải hiểu theo nghĩa rộng, một môi trường phát triển kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ mới chứ không riêng công nghệ thông tin. Với nội dung đó, VPSF chọn khởi nghiệp sáng tạo là một trong những chủ đề ưu tiên của thời gian tới. Hiện đã có hàng nghìn trẻ tham gia các hoạt động trong các nhóm công tác tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân.

Sứ mạng của SPFS là tạo ra môi trường, xây dựng khung khổ chính sách, tập hợp ý kiến nguyện vọng, cơ hội phát triển khởi nghiệp sáng tạo để trình Chính phủ tham luận, trao đổi với các cơ quan ban hành chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cần thiết cho quá trình khởi nghiệp đồng thời kết nối mạng lưới các startup với nhà đầu tư và thị trường.

- Doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn, vậy Diễn đàn Kinh tế Tư nhân sẽ hỗ trợ các startup như thế nào trong việc trong phát triển kinh doanh?

Ông Đào Huy Giám: VPSF là đầu mối tổng hợp lực lượng 10.000 thành viên và nhiều hiệp hội cùng liên kết, trước hết là trong đối thoại chính sách với Chính phủ. Thông qua đối thoại, VPSF  sẽ trình lên những khuyến nghị chính sách, đóng góp ý kiến xây dựng khuôn khổ hành lang pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó nội dung trọng tâm là khởi nghiệp sáng tạo.

VPSF sẽ tạo ra những cuộc giao lưu, khai thác những kinh nghiệm cũng như tập hợp nguồn lực từ quốc tế, như chương trình đầu tư thiên thần. Chúng tôi sẽ cùng những đối tác tư vấn, xúc tiến, thúc đẩy các hoạt động đó.

Một trong 5 nội dung mà VPSF đặt ưu tiên đưa ra năm nay là khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, khởi nghiệp sáng tạo cần rất nhiều nguồn nhân lực, kiến thức về quản lý và mối liên hệ với nhà đầu tư, thị trường, cơ chế tiếp cận vốn, cơ chế tài chính và ưu đãi của nhà nước./.

Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam cho rằng chất lượng công chức Nhà nước là yếu tố tất yếu hỗ trợ môi trường khởi nghiệp.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.