Tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa

Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp của IPU-132 tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Thực hiện chương trình đối ngoại năm 2015 của Lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới (IPU) Saber Chaudhury, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ John Boehner, Chủ tịch Thường trực danh dự Thượng viện Patrick Leahy và Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư tổ chức tại New York (Hoa Kỳ) từ ngày 31/8-2/9 và thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 3-9/9.

Tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm

Đối với Liên hợp quốc, năm 2015 có nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là việc kỷ niệm 70 năm hoạt động (1945-2015), tổng kết 15 năm (2000-2015) thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc vào tháng 9.

Kể từ năm 2000, IPU đã phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới và đã tổ chức 3 hội nghị. Đây cũng là một trong các hình thức hợp tác giữa IPU và Liên hợp quốc ở cấp cao nhất.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư này là một sự kiện quan trọng ở quy mô toàn cầu với sự tham gia của hơn 150 Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện đến từ hơn 140 nước (được coi là lớn nhất từ trước tới nay) nằm trong chuỗi các hoạt động cấp cao toàn cầu trong năm 2015, hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc vào ngày 25-27/9.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư sau khi Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 từ ngày 28/3-1/4 vừa qua với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các Mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” được coi là lớn và thành công nhất trong các Đại hội đồng IPU trong mấy chục năm qua, đem lại những kết quả hết sức ý nghĩa đối với Việt Nam và Quốc hội Việt Nam.

Tham dự Hội nghị lần này, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ phát biểu tại phiên thảo luận chung; đồng thời chủ trì phiên thảo luận chuyên đề về phát triển bền vững và tham dự một số sự kiện, tiếp xúc song phương với Chủ tịch Quốc hội một số nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó khẳng định vai trò của Quốc hội Việt Nam trong kênh hợp tác nghị viện song phương và đa phương, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam tại các hội nghị, diễn đàn IPU sau khi Việt Nam vừa tổ chức thành công IPU-132.


Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ

Kể từ sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7/2013 với việc xác lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác toàn diện,” quan hệ hai nước đạt những tiến triển mới, thực chất trên nhiều lĩnh vực, cả về song phương và đa phương; sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau gia tăng, nổi bật nhất là chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Về phía Hoa Kỳ đã cử nhiều đoàn thăm Việt Nam, nổi bật là Đoàn cựu Tổng thống Bill Clinton (7/2014); Đoàn Ngoại trưởng Kerry (8/2015); Đoàn ​thủ lĩnh phe thiểu số tại hạ viện Nancy Pelosi (3/2015); Đoàn Thượng nghị sỹ J.McCain (5/2015); Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken (5/2015); Bộ trưởng Quốc phòng Carter (6/2015).

Về phía Việt Nam thăm Hoa Kỳ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7/2013); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (7/2014); Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (9/2014); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (10/2014); Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (3/2015); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (4/2015).

Trong quan hệ hợp tác kinh tế, từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 36,6 tỷ USD trong năm 2014. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục ở mức hơn 20% trong 3 năm gần đây, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiếp tục được đẩy mạnh.

Đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn, tiếp tục duy trì ở mức gần 11 tỷ USD, xếp thứ 7 trong nhiều năm qua. Hợp tác về giáo dục, du lịch và giữa các địa phương hai nước đang trên đà phát triển. Năm 2014 có hơn 16.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam theo học tại Hoa Kỳ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 8 trong số các nước có nhiều sinh viên học tập tại Hoa Kỳ (năm 2006 đứng thứ 20).

Việt Nam cũng đã cấp phép đầu tư Dự án thành lập Đại học mô hình Hoa Kỳ ở Việt Nam (Đại học Fulbright). Hàng năm Hoa Kỳ cấp học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam qua các chương trình học bổng như Fulbright và Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF).

Năm 2014, lượng khách du lịch Hoa Kỳ đến Việt Nam đạt hơn 400 nghìn lượt, xếp thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản với doanh số khoảng 500 triệu USD.

Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm về hợp tác y tế, môi trường, nhân đạo. Năm 2013, hai bên đã ký Hiệp định mới về “Hợp tác y tế và khoa học y học”. Việt Nam đã tiếp nhận 67,9 triệu USD tiền mặt và 25,5 triệu USD hiện vật từ Chương trình hỗ trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR).

Về giải quyết hậu quả chiến tranh, trong Tuyên bố chung Cấp cao tháng 7/2013, lần đầu tiên Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ người tàn tật bất kể nguyên nhân gì. Về giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin, Hoa Kỳ đã thông qua 84 triệu USD cho dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và 11 triệu USD trợ giúp về y tế cho người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin (giai đoạn 2014-2016).

Tháng 12/2013, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn. Tổng giá trị Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam về khắc phục hậu quả bom mìn thông qua các tổ chức phi chính phủ từ năm 1993-2015 trị giá 104 triệu USD.

Bên cạnh hợp tác an ninh-quốc phòng, hợp tác khoa học công nghệ có nhiều điểm mới như việc ký và thông qua Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, bước đầu hai nước hợp tác về khoảng không vũ trụ. NASA và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký Tuyên bố ý định chung về trao đổi hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu không gian vũ trụ…

Cùng với đó, hai bên hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực như APEC, ARF, ADMM+, LMI, EAS…

Quốc hội Hoa Kỳ là cơ quan lập pháp của chính quyền liên bang Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, gồm Thượng viện và Hạ viện. Trong quan hệ với Việt Nam, Quốc hội Hoa Kỳ có vai trò quan trọng, từ việc quyết định bỏ cấm vận vào năm 1994, lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Ký Hiệp định Thương mại song phương BTA vào năm 2000, thông qua các Nghị quyết về vấn đề Biển Đông, đến những khoản chi tài chính để giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam…

Trong những năm qua, quan hệ giữa hai Quốc hội hai nước ngày càng được đẩy mạnh. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn. Việt Nam đón nhiều đoàn cấp cao của Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, như Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert tháng 4/2006, Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Daniel Inouye (4/2011), Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy (2014), Chủ tịch Ủy ban Quân lực John Cain (2014, 2015).

Về phía Việt Nam, một số Đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội thăm Hoa Kỳ như các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn Yểu (2006), Huỳnh Ngọc Sơn (2011), Uông Chu Lưu (2012), Nguyễn Thị Kim Ngân (4/2015).

Ngoài ra, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp Ủy ban (Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Tư pháp, Tài chính Ngân sách, Kinh tế…) và Văn phòng Quốc hội để tăng cường hoạt động hợp tác, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và những vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm…

Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt-Mỹ (2011-2016) do ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật làm Chủ tịch. Trước đó, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt-Mỹ của Quốc hội Việt Nam do bà Tôn Nữ Thị Ninh và ông Vũ Xuân Hồng đồng chủ tịch (2004-2007) và do ông Vũ Xuân Hồng làm Chủ tịch (2007-2011).

Nhóm nghị sỹ Hoa Kỳ quan hệ hữu nghị với Việt Nam (Vietnam Caucus) được thành lập từ năm 2004 tại Hạ viện do cựu Hạ nghị sỹ Rob Simmons và Hạ nghị sỹ Lane Evans làm đồng Chủ tịch (2004-2006); sau này là Hạ nghị sỹ Earl Blumenauer và Hạ nghị sỹ Russ Carnahan (2006-2007).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Hoa Kỳ sau khi tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội trên thế giới lần thứ tư tổ chức tại New York. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Hoa Kỳ theo lời mời chính thức của cả Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ, trong bối cảnh năm 2015, Việt Nam kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước (1975-2015), hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2015), cùng đó là việc hai nước đã thiết lập quan hệ "Đối tác toàn diện" vào năm 2013, trao đổi các đoàn cấp cao, trong đó có nhiều đoàn của Quốc hội Hoa Kỳ sang Việt Nam gần đây và đặc biệt là chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ vào tháng 7 vừa qua.

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bên cạnh các hoạt động song phương với các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ gặp gỡ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim và một số doanh nghiệp Hoa Kỳ; gặp gỡ sinh viên và trí thức Việt Nam; thăm, làm việc với một số trung tâm, cơ sở kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, lịch sử…

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới Hoa Kỳ nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập quốc tế của Việt Nam, tiếp tục đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục