Cùng với nhân dân cả nước, hàng triệu người dân tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An và thành phố Hải Phòng bày tỏ niềm vui, sự tin tưởng, tự hào về thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội tiếp tục ghi dấu ấn mới về sự thống nhất ý chí và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân trong thực hiện toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn mới, đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ.
Đồng sức, đồng lòng phát triển đất nước
Người dân “Thủ đô kháng chiến” Tuyên Quang đặc biệt tin tưởng, kỳ vọng vào kết quả, mục tiêu, phương hướng Đại hội đã đề ra.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Hiền, tổ 5, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) cho biết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp.
Là một đảng viên, ông rất vui mừng vì Đại hội đã bầu được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài lãnh đạo đất nước. Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái đắc cử Tổng Bí thư. Đây cũng là mong muốn và kỳ vọng của người dân cả nước.
Ông hy vọng, đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, sức chiến đấu… để phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, đồng thời đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp, lãnh đạo, xây dựng đất nước phát triển toàn diện.
Kinh tế-xã hội được đảm bảo, quốc phòng-an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao… góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội đã đề ra.
[Người Việt ở Đông Âu phấn khởi trước thành công của Đại hội XIII]
Ông Đỗ Viết Phúc, tổ 17, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, cho biết Đại hội vừa kết thúc cũng là thời điểm nước ta đang tiếp tục đối mặt với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Do đó, ông rất mong muốn ngay sau Đại hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng tiếp tục đề ra các phương án tốt nhất để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Ông đã theo dõi rất kỹ Đại hội lần này và nhận thấy rằng Nghị quyết Đại hội đưa ra rất hợp lòng dân, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, song song với công tác phòng, chống dịch, ông hy vọng các cấp, ngành sẽ nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Để những người dân như ông, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thêm động lực và sự hỗ trợ vươn lên ổn định đời sống, cùng nhau đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, đóng góp công sức xây dựng quê hương…
Ông Đỗ Viết Phúc vui mừng bày tỏ tin tưởng, với đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, những mục tiêu, phương hướng, giải pháp cụ thể mà Đại hội đã thống nhất thông qua, cùng với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nước ta sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Công Khánh, hội viên nông dân xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, khẳng định Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, mở ra đường hướng mới. Tuy là nông dân nhưng trong những ngày diễn ra Đại hội, ông vẫn luôn theo dõi diễn biến, kết quả đại hội.
Ông Nguyễn Công Khánh mong rằng trong nhiệm kỳ mới, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ… tiếp tục có những quyết sách, đường hướng mới, trong đó hướng nhiều đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quan tâm tới đời sống người nông dân. Thực tế tại nông thôn, đời sống nông dân tuy có nhiều cải thiện hơn so với trước đây nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Anh Hà Văn Minh, công nhân ngành giao thông tại Nghệ An, rất vui mừng khi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Anh càng vui mừng hơn khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tái cử trong nhiệm kỳ tới.
Với sự tái cử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, anh mong rằng những vụ việc tham nhũng, bức xúc trong xã hội sẽ sớm được giải quyết. Việc "đốt lò" tiếp tục được thực hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, xuống tận cấp huyện, xã.
Chính nhờ sự quang minh, chính đại, một lòng vì nước, vì dân và tư duy, trí tuệ, sự thông thái của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nên thời gian qua đã có nhiều vụ tham nhũng được xử lý, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì.
Tiếng nói từ doanh nghiệp
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec - chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền Phạm Hồng Điệp chia sẻ, cứ 5 năm một lần, Đảng Cộng sản Việt Nam lại tổ chức Đại hội để kiểm điểm, đưa ra định hướng lãnh đạo phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Đây là xu hướng phát triển theo kịp thời đại phù hợp với quản trị xã hội trong một thế giới chuyển động không ngừng luôn cần sự đổi mới để phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, thiên tai, dịch bệnh, xung đột xã hội khắp nơi, thế giới chuyển biến rất nhanh, nhiều khái niệm quản trị xã hội cần được thay đổi, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra thời điểm này nhìn nhận đúng, nhận diện đúng với diễn biến kinh tế-xã hội nội tại Việt Nam và trên thế giới, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sau COVID-19 diễn ra mạnh mẽ hơn, đem lại không gian phát triển rộng lớn và đó là thách thức mà Đảng ta, nhân dân ta cần có định hướng đúng đắn để đón nhận, giải quyết để phát triển.
Đại hội XIII của Đảng cũng rút ra được tồn tại hạn chế, đặt ra những câu hỏi lớn cần trả lời và đón nhận thời cơ mới. Đây là một Đại hội rất sát với thực tiễn khách quan để đưa ra được những đột phá chiến lược và tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới hiện nay...
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đó là định hướng mở ra cho chính sách điều hành, hướng xây dựng luật pháp phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn đổi mới và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, trước, trong và sau Đại hội, giới doanh nhân Việt Nam đã theo sát tiến trình Đại hội, bám sát các định hướng từ khi dự thảo Nghị quyết của Đảng, tham gia vào quá trình phản biện, góp ý, cho đến khi tiến hành Đại hội thì dõi theo quyết sách của Đại hội xác định đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với tư duy mới, tầm nhìn mới...
Điều đáng trân trọng và vui mừng là Đại hội đã nhìn đúng tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam, nhìn đúng trọng tâm lấy phát triển kinh tế để dựng xây đất nước, nhìn đúng giá trị đóng góp của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam như những chiến sĩ thời bình chấn hưng đất nước, định hướng xây dựng các thể chế bảo vệ và khuyến khích giới doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, lấy tiêu chí không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế làm giá trị cốt lõi để phát triển.
Đó là định hướng phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam, lấy đổi mới sáng tạo làm bước phát triển đột phá, lấy kỷ cương phép nước làm nền tảng bảo đảm sự an toàn cho các doanh nghiệp, doanh nhân.
Đó là một cơn gió thổi bùng sự nhiệt huyết, lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam và giới doanh nhân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp trông đợi vào sự thay đổi cơ chế về chính sách cởi mở hơn, chuẩn mực hơn làm bệ đỡ cho sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường trong thời đại 4.0, mang thương hiệu doanh nghiệp Việt đi khắp thế giới.
"Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ vững tin hơn, tự tin hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và sẽ tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho dân tộc phồn vinh, cho ấm no, hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân... Đó còn là cơn gió mát đem luồng vượng khí cho Việt Nam phồn thịnh, tươi đẹp sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới," ông Phạm Hồng Điệp nói.
Đến hải đảo xa
Theo ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện được thành lập ngày 9/12/1992 theo Nghị định số 15/NĐ/CP của Chính phủ, huyện đảo nằm giữa vịnh Bắc Bộ, cách trung tâm thành phố khoảng 130km, có diện tích phần nổi 2,5km2, là một trong 8 ngư trường lớn cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, là phên dậu góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên vùng biển Đông Bắc. Huyện đảo hiện có trên 200 hộ thường trú với hơn 500 nhân khẩu (chưa tính số hộ tạm trú).
Xuất phát từ vị trí đặc biệt quan trọng, tại Nghị quyết số 32-NQ/ TW của Bộ Chính trị khóa IX về "xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa" xác định "xây dựng Bạch Long Vĩ sớm trở thành trung tâm chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ"; tiếp đến Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tiếp tục xác định "xây dựng đảo Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc".
Đảng bộ huyện xác định các nội dung đã nêu tại Nghị quyết 32 và Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đối với Bạch Long Vĩ là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và bảo vệ huyện đảo.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tạo nên một khí thế mới, quyết tâm mới cho huyện đảo bước vào năm 2021 với các chỉ tiêu kinh tế-xã hội phấn đấu đều vượt so với kế hoạch.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện đảo thực hiện trong thời gian tới, đó là xây dựng đảo Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Theo đó, về nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, huyện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, lề lối, thái độ, ý thức trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao khả năng tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Bạch Long Vĩ. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ chế ưu đãi thu hút, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư.
Huyện tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cung cấp đủ điện và nước sạch là điều kiện tiên quyết để thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng địa phương trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc.
Tiếp đó, huyện phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa đảo và đất liền bằng đường biển, tiến tới sử dụng thêm đường hàng không; phát triển giao thông trên đảo bao gồm các tuyến đường trục chính, các tuyến đường nhánh, đường vành đai quanh đảo để phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh. Huyện tiến hành hiện đại hóa các phân khu chức năng và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sơ chế, bảo quản hải sản; cung ứng vật tư nghề cá, nhiên liệu và tiện nghi, duy tu sửa chữa phương tiện khai thác, nhu yếu phẩm; phát triển đội tàu dịch vụ khai thác hải sản trên biển; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, lưu trú; phát triển dịch vụ hàng hải...
Đối với nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc, huyện đề xuất Trung ương, thành phố xây dựng bộ máy, đầu tư thiết bị, phương tiện để Trạm tìm kiếm cứu nạn Bạch Long Vĩ đi vào hoạt động; tiếp tục phát triển các lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai.
Cùng với đó, huyện phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm "4 tại chỗ." Trung ương và thành phố Hải Phòng tạo điều kiện cho huyện đảo một số cơ chế khuyến khích, hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.