Tiếp tục ngăn chặn lao động trẻ em khi dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn

Việc mất cơ hội học tập, không được đào tạo nghề phù hợp với khả năng và sức khỏe yếu kém sẽ làm cho trẻ em không có được việc làm tốt khi trưởng thành, làm mất đi tương lai tươi sáng của trẻ em.
Tiếp tục ngăn chặn lao động trẻ em khi dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Lao động trẻ em đang diễn ra phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tình trạng này đã làm cho nhiều trẻ em phải bỏ học, bị thương tật do tai nạn khi lao động hoặc làm việc quá sức. Một số khác có thể bị đánh đập, xâm hại tình dục gây tổn thương tinh thần và ảnh hưởng đến tâm lý suốt đời.

Việc mất cơ hội học tập, không được đào tạo nghề phù hợp với khả năng và sức khỏe yếu kém sẽ làm cho trẻ em không có được việc làm tốt khi trưởng thành, làm mất đi tương lai tươi sáng của trẻ em.

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp cũng dẫn đến nguy cơ gia tăng lao động trẻ em. Vấn đề đặt ra lúc này là cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn lao động trẻ em khi dịch bệnh vẫn đang diễn ra.

Nguy cơ gia tăng lao động trẻ em

Theo Báo cáo Lao động trẻ em “Ước tính toàn cầu 2020, xu hướng và con đường phía trước” mới được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố cho thấy, số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu, tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng 4 năm qua và hàng triệu trẻ em khác đang đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do tác động của đại dịch COVID-19.

Báo cáo này cảnh báo tiến độ hướng tới mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em đã bị ngừng trệ lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua, đảo ngược xu hướng giảm trước đó.

Báo cáo cũng cảnh báo rằng trên toàn cầu, tính đến cuối năm 2022 sẽ có thêm 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do hậu quả của đại dịch. Một mô hình mô phỏng cho thấy con số này có thể tăng lên 46 triệu nếu trẻ em không được tiếp cận với các cơ chế an sinh xã hội thiết yếu.

[Xóa bỏ lao động trẻ em: Phá vòng luẩn quẩn đe dọa tương lai trẻ em]

Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra quốc gia về Lao động trẻ em năm 2018 (công bố cuối năm 2020), cả nước có khoảng 1 triệu lao động trẻ em, hơn một nửa trong số đó đang làm những công việc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; gần một nửa không đi học và 1,4% chưa từng đi học.

Điều tra cũng cho thấy trong cùng một độ tuổi, tỷ lệ trẻ em đang đi học ở nông thôn thấp hơn trẻ em ở thành thị.

Ngoài lý do không thích đi học, học kém, điều đáng quan tâm ở đây là có đến 15% trẻ em nghỉ học vì lý do tham gia lao động để tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và 14.4% không tiếp tục đi học vì không có tiền để học tập.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, COVID-19 có thể khiến nghèo đói gia tăng, từ đó cũng dẫn tới gia tăng lao động trẻ em vì các hộ gia đình phải sử dụng mọi phương cách có thể để tồn tại.

Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy khi nghèo đói tăng 1 điểm phần trăm thì lao động trẻ em sẽ tăng theo ít nhất 0,7 điểm phần trăm.

Khi đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, trẻ em thậm chí còn có nguy cơ phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn.

Hoàn thiện hơn nữa hệ sống an sinh, phúc lợi xã hội

Hiện nay ở cả nông thôn và thành thị, nhiều trẻ em vẫn phải tham gia vào lực lượng lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, trang trải học hành bằng những công việc như bán vé số, nhặt ve chai, phụ quán (cà hê, ăn uống), đan lát...

Như vậy có thể thấy một trong các lý do để lao động trẻ em tồn tại là do điều kiện, hoàn cảnh kinh tế-xã hội của nhiều gia đình khó khăn: cha mẹ không biết chữ, suy nghĩ và nhận thức của họ có cách biệt với cộng đồng, nhiều người có quan điểm trẻ em không cần thiết phải đi học hoặc học quá nhiều chẳng để làm gì, thay vào đó hãy đi làm kiếm tiền phụ gia đình. Điều này dẫn đến việc trẻ em trong gia đình bị rơi vào tình huống phải bỏ học.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều trường học đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội; cuộc sống của các gia đình gặp nhiều khó khăn hơn về kinh tế, nhiều gia đình sẽ khuyến khích trẻ em đi tìm việc làm để giúp đỡ gia đình.

Ở nhiều địa phương, những loại công việc không chính thức, cơ hội việc làm tự do đã thu hút không chỉ người trưởng thành, mà còn cả trẻ em tham gia lao động, từ loại công việc thời vụ đến dài hạn. Dù thu nhập không cao nhưng nhiều trẻ em sẵn sàng bỏ học để đi làm những công việc này.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình thuộc diện du canh du cư, không định cư cố định tại một địa điểm, nên các vấn đề tuyên truyền, hỗ trợ học nghề, dạy nghề chưa thực sự có tác dụng với nhóm gia đình này.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh rằng, cách trực tiếp nhất để giải quyết áp lực trẻ em phải làm việc là tạo cho các em và gia đình một nguồn thu nhập thay thế, bổ sung bền vững. Như vậy, sự đóng góp kinh tế của trẻ em sẽ trở nên không cần thiết. Trẻ em sẽ không bị đẩy vào tình huống phải lao động để hỗ trợ tăng thu nhập.

Nhận thức từ khía cạnh này cho thấy, sự hoàn thiện hơn nữa năng lực của hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em và gia đình là rất cần thiết để góp phần xóa bỏ lao động trẻ em.

Nâng cao nhận thức về pháp luật

Bên cạnh những khó khăn về đời sống kinh tế, nguyên nhân dẫn tới lao động trẻ em một phần còn do nhận thức của cộng đồng về lao động trẻ em còn kém và chưa đồng nhất. Không ít hộ gia đình thuê lao động trẻ em làm việc vì nghĩ rằng họ đang không vi phạm pháp luật và hoàn toàn do hai bên cùng thống nhất, không có sự ép buộc.

Trên thực tế, pháp luật không ngăn cấm lao động trẻ em nhưng ngăn cấm các hành vi bóc lột sức lao động trẻ em.

Tiếp tục ngăn chặn lao động trẻ em khi dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn ảnh 2Trẻ em tham gia vào sáng tác tranh với thông điệp ngăn chặn lao động trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Luật Trẻ em năm 2016 hướng dẫn, bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam nhấn mạnh trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Để tránh trường hợp người sử dụng lao động lạm dụng sự non nớt và chưa hiểu pháp luật của trẻ em, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định (theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH). Điều 147 Bộ Luật Lao động cũng nêu rõ các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi...

Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động cũng buộc phải tuân theo các quy định như: Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của trẻ; không được sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, phải bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tập của trẻ; bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi…

Nếu vi phạm quy định về lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ – CP , Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức hình phạt từ cảnh cáo tới phạt tiền đến 25 triệu đồng.

Việc lao động sớm sẽ tước đi quyền được giáo dục, vui chơi của trẻ. Trẻ sẽ phải đối mặt với khả năng bị chấn thương, kiệt sức, hay thậm chí bị nhiễm độc khi phải làm việc quá khả năng của mình. Bên cạnh đó, việc lao động sớm khiến trẻ không phát triển toàn diện được thể chất, tâm lý và khả năng ứng biến trong xã hội.

Lao động trẻ em chỉ có thể được ngăn chặn khi có sự kết hợp giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; sự hỗ trợ của các tổ chức, gia đình và xã hội trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về loại bỏ các hình thức lao động trẻ em; xây dựng, thực thi các chính sách; gỡ bỏ các rào cản và triển khai nhiều biện pháp can thiệp hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục