Các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử được các địa phương tổ chức với số lượng cử tri phù hợp điều kiện thực tế hội trường, bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 hoặc kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của cử tri ở các điểm cầu.
Trong không khí dân chủ, cởi mở, các hội nghị trực tuyến đã chứng tỏ sự hiệu quả trong việc tuyên truyền chương trình hành động của các ứng cử viên đến cử tri.
Cử tri dễ dàng tìm thông tin của ứng viên
Thực tế cho thấy, trước khi bỏ lá phiếu tín nhiệm, cử tri có thể tìm hiểu tiểu sử và chương trình hành động của ứng cử viên tại điểm bầu cử chính thức, ngoài ra cử tri cũng có thể tìm đọc các bài báo về ứng cử viên, tìm hiểu quá trình công tác, tác động xã hội của ứng cử viên. Tuy nhiên, các hội nghị tiếp xúc cử tri vẫn có vai trò vô cùng quan trọng bởi cử tri có thể tiếp xúc, lắng nghe ứng cử viên thuyết trình và đặt lại câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp...
[Báo chí phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối giữa Quốc hội và người dân]
Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, mỗi ban bầu cử tại địa phương đã linh hoạt tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri theo mô hình trực tiếp kết hợp trực tuyến, với điểm cầu tới từng xã, phường, đảm bảo giãn cách, không tụ tập đông người.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một điểm mới. Việc ứng dụng công nghệ hiệu quả sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và vẫn đảm bảo quyền bầu cử, ứng cử của ứng cử viên và nhu cầu của cử tri. Ngoài ra, việc tăng cường tiếp xúc, truyền tải chương trình hành động qua các kênh truyền thông đại chúng, trong đó nhiều ứng cử viên được hỗ trợ đăng tải lên các báo điện tử, mạng xã hội cũng là điểm rất hay.
Bà Tiêu Yến Trinh (1974), Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet, là nữ doanh nhân duy nhất trong khối doanh nghiệp tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh ứng cử trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo bà Tiêu Yến Trinh, tiếp xúc cử tri trực tuyến là hình thức hợp lý và hợp hoàn cảnh, không chỉ trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mà còn mang tính ứng dụng cao trong tương lai.
“Việc tiếp xúc cử tri mang lại cơ hội gần gũi hơn với người dân và cộng đồng xung quanh. Việc lắng nghe những nhu cầu, ý nguyện của người dân mang đến nhiều ý tưởng cho chương trình hành động của bản thân,” bà chia sẻ.
Mở rộng kênh truyền thông
Hiện tại, nhiều ứng viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đang tập trung vào quá trình vận động bầu cử. Từ đó, cử tri sẽ có cơ sở lựa chọn ra những người đủ đức, đủ tài. Trong đó, không ít người sử dụng mạng xã hội để giới thiệu về mình và chương trình hành động để được cử tri ủng hộ.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê (Le Group of Companies) cho hay cá nhân ông ủng hộ các ứng viên vận động tranh cử qua mạng xã hội. Động thái này cần được khuyến khích để từ đó cử tri chủ động hiểu hơn về các ứng viên.
Chuyên gia này cho rằng không phải cử tri nào cũng được tham dự các cuộc tiếp xúc với ứng cử viên. Thông qua mạng xã hội, ứng cử viên có cơ hội giới thiệu và cử tri có cơ hội hiểu rõ năng lực, các cam kết của ứng viên và chương trình hành động của ứng viên.
Theo ông Vinh, việc các ứng viên chia sẻ chương trình hành động của mình, các thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức về bầu cử qua trang cá nhân ngoài việc nhận được sự quan tâm, ủng hộ cũng qua đó tham khảo các bình luận, ý kiến để tự hoàn thiện mình.
Mạng xã hội là kênh hữu ích với tính phổ biến nhưng nó cũng đòi hỏi người sử dụng phải biết chọn lọc thông tin. Đặc điểm của người sử dụng mạng xã hội là thường có xu hướng đọc lướt, thiếu khả năng kiểm chứng thông tin dẫn đến việc tiếp tay lan truyền các thông tin thiếu chính xác, gây tác hại xấu.
Bà Tiêu Yến Trinh cho rằng truyền thông trên các phương tiện đại chúng và tuyên truyền qua mạng xã hội bổ sung cho nhau, giúp truyền tải thông tin nhanh và cập nhật. Cả hai kênh thông tin này sẽ góp những tiếng nói nhất định giúp các đại biểu đến gần hơn với cử tri của mình, đồng thời cho cử tri các góc nhìn, thông tin đa chiều trước khi họ lựa chọn bầu cử.
“Nếu không truyền thông, mọi chính sách để khó mà hiệu quả khi dân không hiểu và không thấy được mình trong đó, không nắm được chương trình hành động của đại biểu đang đi đến đâu. Sự đồng hành cần bắt đầu từ sự đồng lòng và chỉ có hiểu rõ thì chúng là mới đạt được sự đồng thuận cao để cũng kết nối tạo ra hạnh động mạnh hơn, tác động hiệu quả hơn,” bà nói thêm.
Quả thực trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, nhiều người dân hiểu hơn về ứng cử viên, về chương trình hành động và quy trình bầu cử thông qua truyền thông mạng xã hội. Trần Hoàng Nam, 18 tuổi, là một cử tri như vậy.
Bên cạnh tìm hiểu về ứng cử viên tại điểm bầu cử, Hoàng Nam còn tham khảo thông tin trên mạng để hiểu hơn về các hoạt động, đóng góp của họ cho cộng đồng.
Nam nghiên cứu chương trình hành động của các ứng cử viên Quốc hội và Hội đồng nhân dân hết sức cẩn thận. Em rất phấn khởi vì năm nay, lần đầu tiên được cầm lá phiếu cử tri trên tay và đi bầu cử tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
“Bầu cử thể hiện trách nhiệm với đất nước, em thấy tự hào khi là cử tri ít tuổi nhất ở phường mình. Em đã tìm hiểu rất kỹ về các ứng cử viên, ngoài ra em còn tham khảo ý kiến của ông nội, vốn là một Đảng viên lão thành,” Nam chia sẻ.
Ngày 23/5, Nam sẽ dậy thật sớm, ăn mặc chỉnh tề đi bầu cử, bởi em vinh dự là một trong những người đầu tiên được bỏ lá phiếu vào hòm. Nam cho hay em rất tin tưởng vào kết quả bầu cử vì đây là hình thức lựa chọn công bằng, dân chủ để tìm ra những người tài đức, gánh vác trọng trách xây dựng đất nước./.