Tiết lộ những bí ẩn về bộ môn ảo thuật của Triều Tiên

Trong hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc hồi tháng Tư vừa qua, Triều Tiên đã lôi cuốn người dân nước láng giềng vào một màn trình diễn kỳ lạ - một trò ảo thuật.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Pixabay)

Tạp chí The Diplomat gần đây có bài viết với tiêu đề “Nghề ảo thuật bí ẩn của Triều Tiên.” Dưới đây là nội dung bài viết:

Trong hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc hồi tháng Tư vừa qua, Triều Tiên đã lôi cuốn người dân nước láng giềng vào một màn trình diễn kỳ lạ - một trò ảo thuật.

Nhà ảo thuật Triều Tiên, người biểu diễn trong buổi ăn tối sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi anh ta thể hiện kỹ năng của mình bằng cách biến đổi hóa đơn 50.000 won Hàn Quốc thành hóa đơn 100 USD.

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol đã tham gia màn biểu diễn này với vai trò trợ lý.

Có rất nhiều điều chưa biết về Triều Tiên, và lĩnh vực ảo thuật cũng là một trong số đó.

Tại Triều Tiên, một chương trình ảo thuật được coi là một phần của rạp xiếc, nó có tên gọi là “Kyoye,” và được thực hiện bởi các nhóm xiếc chuyên nghiệp.

[Bộ phim về thượng đỉnh với Mỹ hé lộ trọng tâm mới của Triều Tiên]

Theo nhà phê bình văn hóa Triều Tiên Lim Chae-wook, chính phủ nước này duy trì một khoản trợ cấp cho nhóm xiếc của họ.

Lim Chae-wook cho biết xiếc được coi là một loại hình nghệ thuật ở Triều Tiên, và những diễn viên xiếc, bao gồm cả các nhà ảo thuật, được trao danh hiệu “diễn viên Kyoye.” Một nhóm xiếc trung bình có tới hơn 100 diễn viên Kyoye.

Lim Chae-wook cho biết thêm hầu hết diễn viên Kyoye bắt đầu được đào tạo từ lúc khoảng 10 tuổi tại các cơ sở đào tạo đặc biệt. Ví dụ như các diễn viên thuộc nhóm xiếc Bình Nhưỡng, nhóm xiếc uy tín nhất tại Triều Tiên, họ được đào tạo tại trường xiếc Bình Nhưỡng, thành lập từ năm 1975.

Theo Lim Chae-wook, các thí sinh sau khi đỗ vào trường sẽ mất khoảng 9 năm đào tạo trước khi được phép biểu diễn; có 4 loại hình đào tạo và một trong số đó là ảo thuật. Các màn ảo thuật có thể gồm biểu diễn với các thẻ bài, chơi piano mà không cần chạm vào phím đàn, làm cho người hoặc vật thể có thể "bay."

Mặc dù hành trình để trở thành một nhà ảo thuật hay một diễn viên xiếc dường như rất khó khăn bởi họ phải nỗ lực thực sự, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí, song nó có thể đem lại cho các diễn viên Triều Tiên sự nổi tiếng và giàu có.

Một số nhà ảo thuật thành công nhận được danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân” do chính quyền trung ương trao tặng. Danh hiệu này có một ý nghĩa quan trọng tại Triều Tiên, nó mang lại danh tiếng cho gia đình, để họ có thể leo lên các nấc thang xã hội.

Một nhà ảo thuật với danh hiệu "nghệ sỹ nhân dân" cũng có thể đạt danh hiệu "Anh hùng Lao động." Tuy nhiên, rất ít nhà ảo thuật tại Triều Tiên làm được việc đó. Nhưng Kim Taek Sung, một nhà ảo thuật tại trường xiếc Bình Nhưỡng đã làm được điều này. Ông Kim đã được trao cả hai danh hiệu trên cho những cống hiến về ảo thuật tại Triều Tiên.

Kim Taek Sung sinh tại tỉnh Chagang trở thành diễn viên tại rạp xiếc Bình Nhưỡng vào năm 1969 và đã có 30 năm gắn bó với rạp xiếc này với tư cách người duy trì và phát triển các màn ảo thuật khác nhau.

Kim Taek Sung được biết đã phát triển khoảng 200 màn ảo thuật. Hai người con trai của Kim cũng nối nghiệp cha để trở thành các ảo thuật gia và đều được trao danh hiệu nghệ sỹ nhân dân.

Kim Taek Sung và các con trai đang trở thành những nhà ảo thuật nổi tiếng nhất lịch sử Triều Tiên.

Năm 2001, khi Triều Tiên thành lập “Hiệp hội ảo thuật Choson,” Kim Taek Sung đã được chọn là lãnh đạo của hiệp hội này. Đây là động thái đầu tiên cho thấy Triều Tiên đang thúc đẩy đặc biệt đối với bộ môn ảo thuật, lĩnh vực này sẽ không còn là một phần của rạp xiếc.

Mặc dù lĩnh vực ảo thuật của Triều Tiên chủ yếu nhắm vào đối tượng trong nước, nhưng điều này đang có những dấu hiệu thay đổi.

Vào năm 2009, một tờ báo chuyên về Triều Tiên tại Nhật Bản là Choson Sinbo, đã viết rằng Triều Tiên đang tìm kiếm cơ hội tham gia Liên đoàn ảo thuật quốc tế, một trong những tổ chức ảo thuật quốc tế uy tín nhất.

[9 bộ phim Triều Tiên lần đầu được công chiếu tại Hàn Quốc]

Choson Sinbo trích dẫn phát biểu của Kim từ Hiệp hội ảo thuật Choson rằng Triều Tiên đã cố gắng gia nhập tổ chức này vào năm 2006, nhưng để được tham gia cần phải có sự đồng ý của các nước tham gia.

Triều Tiên vẫn chưa thể tham gia tổ chức này, nhưng điều đó cho thấy mong muốn đưa ảo thuật của Triều Tiên ra nhập cộng đồng quốc tế.

Một số người tin rằng thông qua dấu hiệu cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, bây giờ sẽ là thời điểm tốt để Bình Nhưỡng xem xét lại khả năng đưa ảo thuật của nước này ra nhập cộng đồng quốc tế.

Hàn Quốc có nhiều hy vọng và nỗ lực để mời Triều Tiên tham gia lễ hội ảo thuật ở nước này như một cử chỉ của tình hữu nghị, tuy nhiên, điều này đến nay vẫn chưa đem lại kết quả. Một ví dụ gần đây nhất là việc Hàn Quốc mời đoàn ảo thuật Bình Nhưỡng tham dự Lễ hội ảo thuật quốc tế tại Busan vừa diễn ra ngày 9/7, nhưng Triều Tiên đã không tham dự.

Ảo thuật gia nổi tiếng của Hàn Quốc, Choi Hyun-woo, cho biết nếu Triều Tiên tham gia một Lễ hội ảo thuật được tổ chức tại Hàn Quốc, đó thực sự sẽ là một màn ảo thuật hấp dẫn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục