Tiêu thụ hàng nông sản: Hướng đến giải pháp chế biến sâu, nâng giá trị

Để tiêu thụ ổn định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp và địa phương cần hướng đến giải pháp chế biến sâu đối với hàng nông sản.
Tiêu thụ hàng nông sản: Hướng đến giải pháp chế biến sâu, nâng giá trị ảnh 1Thông quan hàng hóa tại cửa khẩu. (Ảnh: Vietnam+)

Tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu tiếp tục là chủ đề nóng đối với hàng nông sản của Việt Nam trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh 2019-nCoV diễn biến phức tạp, để tăng giá trị, hướng tới xuất khẩu bền vững vẫn cần nhiều giải pháp căn cơ hơn.

Giá cả vẫn bấp bênh

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dịch viêm phổi cấp do virus corona ngay lập tức đã tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản, nhất là mặt hàng trái cây.

[Trà Vinh: Tiêu thụ thanh long ruột đỏ gặp khó vì dịch nCoV]

Đơn cử như sầu riêng, trước Tết Nguyên đán, giá đạt 70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg hay giá thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Còn tại Trà Vinh, thương lái chỉ mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá 10.000 đồng/kg, loại 2 giá 7.000 đồng/kg, loại 3 giá 5.000 đồng/kg, giảm khoảng 35.000-45.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Một trong những nguyên nhân chính là việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua biên giới với nước bạn Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh 2019-nCoV.

Tính đến hết ngày 5/2, trên địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn có 362 xe hàng đang nằm chờ xuất khẩu, trong đó Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 66 xe hàng, Cửa khẩu phụ Tân Thanh có 205 xe hàng (chủ yếu là thanh long, dưa hấu). Ngoài ra, tại cửa khẩu phụ Cốc Nam có 33 xe hàng, Cửa khẩu phụ Bình Nghi có 57 xe hàng, Cửa khẩu phụ Na Hình có 1 xe hàng.

Hiện nhiều giải pháp tình thế đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc để thông quan hàng hóa, giảm ùn ứ tại các cửa khẩu.

- Xuất khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản sang Trung Quốc 11 tháng năm 2019:

Về phía Bộ Công Thương cũng đưa ra khuyến nghị nông dân điều chỉnh tiến độ sản xuất trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, đồng thời tăng cường tiêu thụ nội địa thông qua việc kết nối chuỗi phân phối trong nước với các vựa trái cây lớn…

Bên cạnh đó, để chung tay hỗ trợ người dân, nhiều siêu thị và doanh nghiệp đã vào cuộc thu mua hàng nông sản, góp phần giải tỏa và tiêu thụ hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Central Retail cho hay thời gian qua đã nhận được đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, Gia Lai hỗ trợ tiêu thụ thanh long, dưa hấu và cam kết hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

"Hiện tại, giá thanh long chưa đến mức tiêu cực. Cụ thể, thanh long phía doanh nghiệp mua tại kho với giá 14.000 đồng/kg, dưa hấu 6.000 đồng/kg,” bà Phương chia sẻ.

Cần giải pháp căn cơ

Đáng chú ý, trong ngày 6/2, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Công Thương và đã thống nhất sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ cho các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.

"Đây là một hành động thiết thực của các doanh nghiệp logistics để ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong công tác phòng chống dịch. Chúng tôi hy vọng qua đây sẽ tiếp tục tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, cùng hỗ trợ nhau và hỗ trợ nông dân để giảm thiệt hại do dịch gây ra," ông Lê Duy Hiệp nói.

Năm 2019 xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,13 tỷ USD, song vẫn có một thực tế là việc bấp bênh về đầu ra luôn là bài toán nan giải của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua.

Lý giải điều này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường có biến động, dù khách quan hay chủ quan đều tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung và khó kiểm soát chất lượng.

Vì vậy, khi phát sinh biến động bất lợi từ thị trường này sẽ khó có thể chuyển hướng ngay thị trường thay thế vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật của các nước thứ ba.

Thậm chí không phải đến lúc có dịch bệnh nông sản Việt Nam mới gặp khó khăn về xuất khẩu, bởi theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Phương, nhiều Hợp tác xã khi giá xuất khẩu lên thích xuất khẩu cho nhanh mà không muốn đưa vào siêu thị vì hàng vào siêu thị phải qua nhiều khâu đàm phán, nhiều tiêu chuẩn.

“Nhưng nếu cứ giữ cách làm này thì khi xuất khẩu khó cũng không còn đường vào siêu thị, vì vậy cần tập trung cho thị trường trong nước với 100 triệu dân,” đại diện Tập đoàn Central Retail khuyến nghị.

Tiêu thụ hàng nông sản: Hướng đến giải pháp chế biến sâu, nâng giá trị ảnh 2VLA vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân. (Ảnh: Vietnam+)

Từ thực tế trên, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp và địa phương cần hướng đến giải pháp chế biến sâu đối với hàng nông sản đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

Theo ông, hiện tại mới chỉ có 9 loại nông sản đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, do đó về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lên kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương phù hợp với thị trường. /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.