Tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và lượng khí thải CO2 năm 2023 cao kỷ lục

Theo báo cáo Đánh giá thống kê về Năng lượng Thế giới, tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt mức cao chưa từng có - 620 EJ, với lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng 2%, lần đầu tiên vượt 40 gigaton.

Khói bốc lên từ một nhà máy ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên từ một nhà máy ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo Đánh giá thống kê về Năng lượng Thế giới công bố ngày 20/6, năm ngoái, mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và phát thải năng lượng trên toàn cầu đã đạt mức cao lịch sử, mặc dù tỷ trọng của loại nhiên liệu này trong cơ cấu năng lượng toàn cầu giảm nhẹ.

Nhu cầu ngày càng tăng về nhiên liệu hóa thạch, bất chấp việc tăng quy mô năng lượng tái tạo, đã trở thành thách thức đáng kể trong quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng carbon thấp hơn, đặc biệt là khi mức tăng nhiệt độ toàn cầu đạt 1,5°C.

Theo các nhà khoa học, nếu vượt ngưỡng tăng này, những tác động như nhiệt độ đi lên, hạn hán và lũ lụt sẽ trở nên cực đoan hơn.

Năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên các dòng năng lượng của Nga chuyển hướng đi nơi khác thay vì phương Tây sau các căng thẳng địa chính trị, và cũng là năm đầu tiên bãi bỏ các hạn chế di chuyển lớn liên quan đến đại dịch COVID-19.

Báo cáo cho biết tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu đạt mức cao chưa từng có - 620 EJ, với lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng 2%, lần đầu tiên vượt 40 gigaton. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo không bao gồm hydro tăng 13% lên mức cao kỷ lục là 4.748 TWh.

Theo chuyên gia tư vấn Simon Virley của KPMG, dù sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục mới, song nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên toàn cầu khiến tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng gần như không thay đổi.

Báo cáo cũng nêu bật những xu hướng sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các khu vực. Cụ thể, ở châu Âu, tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng lần đầu tiên giảm xuống dưới 70% kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.

Giám đốc điều hành Viện Năng lượng Nick Wayth cho biết, tại các nền kinh tế tiên tiến, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đang có dấu hiệu đạt đỉnh, trong khi với các nền kinh tế ở Nam bán cầu, sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo chỉ ra rằng nhiên liệu hóa thạch chiếm gần như toàn bộ tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Ấn Độ trong năm 2023.

Mặc dù Trung Quốc ghi nhận mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng 6% lên mức cao mới, nhưng nước này cũng đồng thời đóng góp tới 55% sản lượng năng lượng tái tạo tăng thêm trên toàn cầu vào năm ngoái, dẫn đầu thế giới về mở rộng năng lượng tái tạo.

Dựa trên những số liệu này, chuyên gia Romain Debarre của công ty Kearney bày tỏ hy vọng báo cáo sẽ giúp các chính phủ, nhà lãnh đạo và các nhà phân tích nắm rõ và sẵn sàng ứng phó với các thách thức về chuyển đổi năng lượng.

Báo cáo do Viện Năng lượng, công ty tư vấn KPMG và Kearney thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục