Tiêu thụ than có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái

Phó tổng giám đốc Vinacomin cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Vinacomin đã sản xuất 19,6 triệu tấn than nguyên khai, đạt 52% kế hoạch năm và chỉ bằng 95,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tiêu thụ than có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái ảnh 1Vinacomin đã sản xuất 19,6 triệu tấn than nguyên khai. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Trong hội nghị sơ kết tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) diễn ra tại Hà Nội, sáng ngày 10/7, ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn này cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Vinacomin đã sản xuất 19,6 triệu tấn than nguyên khai, đạt 52% kế hoạch năm và chỉ bằng 95,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, than tiêu thụ lại đạt 18,95 triệu tấn, bằng 54,1% kế hoạch năm và tăng 2% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của ông Biên, trong các hộ lớn tiêu thụ than ở trong nước, hộ sản xuất phân bón có mức tiêu thụ than tăng cao nhất so với cùng kỳ (29%), tiếp đến là hộ sản xuất điện (27%). Chính vì vậy, tồn kho than tính đến cuối tháng 6 chỉ còn khoảng 7,5 triệu tấn.

Than tiêu thụ có xu hướng tăng khiến doanh thu từ than của Tập đoàn cũng tăng 13% so với cùng kỳ, đảm bảo việc làm cho người lao động với tiền lương bình quân 7,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 3% so với cùng kỳ.

Kết quả này, theo ông Biên là do Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất và chế biến than tăng cường chế biến nâng cấp than tiêu chuẩn cơ sở, than nguyên khai 6b thành các loại than chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khách hàng và khuyến khích tiêu thụ than cục. Bên cạnh đó hoàn thiện cơ chế điều hành tiêu thụ than, chính sách bán hàng phù hợp với tình hình mới.

 

Đặc biệt, để tăng cường quản lý, bảo vệ sản phẩm than, Tập đoàn ban hành quy trình giao nhận than giữa các công ty kho vận với các đơn vị sản xuất trong Tập đoàn trên địa bàn Quảng Ninh; chuyển giao lực lượng bảo vệ chuyên trách sang các công ty kho vận. Đồng thời gắn logo, tên đơn vị trên thiết bị, phương tiện khai thác và vận chuyển than.

Từ đầu năm nay, Vinacomin còn nhận than trực tiếp tại các mỏ và giao cho các công ty kho vận trực tiếp vận chuyển than từ kho mỏ ra các cảng để tiêu thụ. Mặt khác, thực hiện nghiêm ngặt việc vận chuyển than từ nơi sản xuất, chế biến đến nơi tiêu thụ từ 6h đến 18h trong ngày.

Cùng với việc tăng cường gia công, chế biến than, đất đá lẫn than để cải thiện than tồn kho, Tập đoàn còn linh hoạt điều hành chất lượng than giao theo khách hàng sao cho đảm bảo cân bằng các cơ cấu chủng loại than. Đồng thời tập trung đưa than ra các nhà máy tuyển để chế biến ra các loại than chất lượng, tạo ra lượng than dự phòng, điều tiết khi cần thiết.

Để đảm bảo than cung cấp cho các hộ sản xuất điện, mới đây, Công ty Kho vận Cẩm Phả đã chính thức giao tấn than đầu tiên cho Nhà máy điện Mông Dương 2. Hiện công ty này đã giao cho nhà máy 126 ngàn tấn; đồng thời chủ động đưa 210 ngàn tấn than từ các đơn vị sản xuất về kho G9 để chuẩn bị khi có yêu cầu.

Ngoài ra, Vinacomin cũng có nhiều giải pháp kịp thời và ban hành nhiều cơ chế khuyến khích sản xuất than cám chất lượng cao và tiêu thụ than cục; điều hành linh hoạt giữa các đơn vị thành viên, giữa các vùng... nhằm duy trì sản xuất và tiêu thụ than, nhất là các đơn vị sản xuất than hầm lò, đảm bảo việc làm cho người lao động. Tập đoàn phấn đấu cả năm 2014 tiêu thụ trên 35 triệu tấn; trong đó, trong nước 27-28 triệu tấn và xuất khẩu 7-8 triệu tấn.

Tại hội nghị này, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Lê Minh Chuẩn, Tổng Giám đốc Tập đoàn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.