Đảm bảo tăng trưởng bền vững và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh... là một trong các mục tiêu đặt ra của năm 2019.
Thông tin này cũng được nhấn mạnh hơn tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ 2019, do Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) tổ chức ngày 11/1, tại Hà Nội,
[VNSteel xử lý tồn tại và tháo gỡ khó khăn các dự án yếu kém]
Nhiều doanh nghiệp vẫn lỗ
Điểm lại năm vừa qua, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết 2018 là năm đặc biệt khó khăn với nhiều doanh nghiệp ngành thép.
Chỉ đơn cử mặt hàng thép cán nguội, tiêu thụ năm 2018 chỉ đạt 84% kế hoạch, giảm 34%, trong khi tôn mạ đạt 97% kế hoạch giảm 7% và ống thép giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng theo ông Thảo, tại thời điểm 31/12/2018, Công ty mẹ đầu tư 7.532,2 tỷ đồng vào 38 doanh nghiệp là công ty con và công ty liên kết và đầu tư tài chính với 380,19 tỷ đồng vào 5 đơn vị khác.
Tổng lợi nhuận sau thuế thực hiện năm 2018 của 38 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Tổng công ty là 1.212,37 tỷ đồng, bằng 79% so với năm 2017. Trong đó có 14 công ty hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch và có mức lợi nhuận tăng trưởng khá cao, đơn cử như công ty VTM, CKLK, Vinatrans...
Dù vậy, năm 2018 vẫn có 7 công ty không hoàn thành kế hoạch, có lợi nhuận thấp và một công ty con, 8 công ty liên kết bị thua lỗ.
"Hiệu quả sinh lời tính trên vốn đầu tư của toàn hệ thống Tổng Công ty trong năm 2018 thấp hơn 2017. Có 13 Công ty có tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư khá cao dao động từ 10% đến 46%. Có 6 Công ty có tỷ suất sinh lợi tính trên vốn đầu tư dao động từ 3,5% đến 9,9%. Có 10 Công ty có tỷ suất sinh lời thấp dưới 3,5% và 9 Công ty bị lỗ vốn," ông Thảo nói.
Là một trong hai dự án không hiệu quả của ngành công thương, ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chia sẻ, dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vẫn hết sức khó khăn. Cộng thêm cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt khiến sức ép về hiệu quả kinh doanh lên công ty rất lớn.
"Với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, việc thoái vốn càng nhanh càng tốt, nếu thoái vốn chậm, khi thị trường bão hòa mà thương hiệu TISCO ngày càng đi xuống thì sức hấp dẫn sẽ giảm đi," ông Hoàng Ngọc Diệp nêu ý kiến.
- Kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty thép năm 2019:
Phải làm tốt công tác dự báo
Theo đánh giá của Tổng công ty thép, hàng loạt những chính sách về bảo hộ, hay cuộc chiến thương mại... đang tác động lên tiêu thụ của ngành thép. Trong khi đó, năng suất lao động thấp cùng với công nghệ lạc hậu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Để thích ứng, ngoài việc tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực quản trị, thì yếu tố tiên quyết là nắm bắt diễn biến thị trường để có quyết định đầu tư đúng đắn.
Ông Đặng Huy Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để có cách ứng phó hiệu quả với biến động thất thường của giá thép, công ty luôn chú trọng tới công tác phân tích, dự báo thị trường.
Theo đó, ngoài việc bám sát các số liệu báo cáo của các tổ chức dự báo chuyên ngành, Công ty thường xuyên trao đổi để có một bức tranh sâu hơn về số liệu nhập khẩu, tồn kho của các doanh nghiệp trong ngành thép, để từ đó điều chỉnh kế hoạch mua vào phù hợp với diễn biến của thị trường.
"Năng lực phân tích, dự báo là hết quan trọng với sự biến động của giá thép, dự báo càng tốt, càng hạn chế được rủi ro và giảm mức tồn kho hợp lý," ông Hiệp khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Lê Việt, Phó Tổng Giám đốc Tôn Phương Nam cũng nhấn mạnh, tới việc tối ưu hóa các công đoạn sản xuất và đa dạng hóa nhà cung cấp để hạ giá thành sản phẩm.
Ông cho rằng, việc mua đúng thời điểm chính là yếu tố quyết định đến hiệu quả của sản xuất kinh doanh, qua đó cũng giúp doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chi phí.
Trong năm 2019, Tổng Công ty thép đặt mục tiêu sản xuất gần 2,6 triệu tấn phôi thép và hơn 3,1 triệu tấn thép cán dài cũng như lợi nhuận của công ty mẹ là 68 tỷ đồng.
Để đạt được hiệu quả trong kinh doanh, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị Tổng công ty thép cần đánh giá đúng và có dự báo chính xác về thị trường nhằm xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả nhất.
"Nếu cung vượt cầu chắc chắn không hiệu quả, do vậy thà làm ít mà hiệu quả còn hơn là làm nhiều nhưng không tiêu thụ được," Thứ trưởng Bộ Công Thương lưu ý thêm.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị thành viên đẩy mạnh các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động đồng thời đẩy nhanh công tác tái cơ cấu nhằm tập trung vốn và nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Lãnh dạo Tổng công ty kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương có giải pháp kiểm soát và ngăn chặn việc gian lận, nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ từ nước ngoài gây thiệt hại cho các nhà sản xuất thép trong nước./.