Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mekong - Mỹ (MUSP) lần thứ hai diễn ra ngày 3/8 theo hình thức trực tuyến, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn khẳng định Vương quốc Campuchia sẽ hợp tác với Mỹ trong các khuôn khổ về kết nối sông Mekong.
Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mekong-Mỹ (MUSP) lần thứ hai do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đồng chủ trì, cùng sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc tiểu vùng Mekong: Lào, Myanmar, Thái Lan và Tổng thư ký ASEAN.
Theo thông cáo báo chí được Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia ban hành tối 3/8, ông Prak Sokhonn xác nhận Campuchia sẵn sàng tiếp tục thực hiện các nỗ lực chung trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19; giải quyết các khó khăn trong đó không giới hạn về vấn đề biến đổi khí hậu và tội phạm xuyên quốc gia; thúc đẩy hồi phục kinh tế-xã hội một cách có hiệu quả.
Phó Thủ tướng Campuchia cho rằng khu vực tiểu vùng sông Mekong có tổng dân số 240 triệu người, với 40% trong độ tuổi dưới 25, đã trở thành trục thu hút các ngành sản xuất công nghiệp nhẹ và hội nhập ngày một sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Mỹ xuất khẩu khoảng 26 tỷ USD giá trị kim ngạch hàng hóa và dịch vụ tới khu vực tiểu vùng Mekong và ngược lại, nhập khẩu khoảng 89,94 tỷ USD.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia cho rằng Campuchia hy vọng sẽ có thêm nhiều nguồn vốn khu vực tư nhân đầu tư vào các ngành du lịch, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và những khu vực được ưu tiên khác tại Campuchia, với sự hỗ trợ của Mỹ và các nước đồng minh để kích thích tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19.
[ASEAN và các đối tác cam kết tăng cường quan hệ đối thoại]
Ông Prak Sokhonn bày tỏ sự ủng hộ với sáng kiến về Chính sách đối thoại bình đẳng giới, trong đó tập trung vào các vấn đề: (1) Tăng quyền lực kinh tế cho phụ nữ, tập trung vào hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu; (2) Vấn đề hòa bình và an ninh của phụ nữ, tập trung vào sự lãnh đạo của nữ giới; và (3) Ngăn chặn và ứng phó với hành động bạo lực dựa trên giới, với hy vọng những chương trình này sẽ cung cấp một cách hiệu quả nguồn lực và các khuyến nghị cho việc tăng cường trao quyền cho phụ nữ và đóng góp vào các tiến bộ xã hội. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia nhấn mạnh Campuchia thông qua Bộ Các vấn đề phụ nữ, sẵn sàng hành động cùng Mỹ và các nước thành viên khác để đạt được mục tiêu này.
Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mekong-Mỹ (MUSP) lần thứ hai đánh dấu một năm Hợp tác sáng kiến hạ nguồn Mekong (LMI) được nâng cấp lên Quan hệ đối tác nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững khu vực, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Mekong trong và sau đại dịch COVID-19.
Các bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của Mỹ dành cho các nước Mekong trong cuộc chiến chống COVID-19, ghi nhận những kết quả mà MUSP đạt được trong các lĩnh vực hợp tác như quản lý bền vững nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, phát triển hạ tầng cơ sở, và kết nối khu vực.
Về định hướng hợp tác giai đoạn tới, các bộ trưởng nhận định, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, ưu tiên hàng đầu là ứng phó hiệu quả đối với dịch bệnh, bảo đảm tiếp cận vaccine kịp thời, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, MUSP cần tích cực đóng góp và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thịnh vượng tại khu vực; hỗ trợ việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Khung phục hồi tổng thể ASEAN; thu hẹp khoảng cách phát triển; tăng cường gắn kết với các khuôn khổ hợp tác Mekong hiện có như Ủy hội sông Mekong (MRC) và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS).
Các bộ trưởng đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2023, trong đó ưu tiên triển khai các chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực. Về liên kết kinh tế là xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao; tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, giao thông; năng lượng sạch và tái tạo; phát triển nông nghiệp; hỗ trợ các các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy các liên kết sản xuất và chuỗi cung ứng tiểu vùng; và phát triển cơ sở hạ tầng số và nền kinh tế số.
Về quản lý bền vững nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường là phối hợp hiệu quả, khoa học trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên tại lưu vực sông Mekong; tăng cường vai trò của Ủy hội sông Mekong (MRC); nâng cao năng lực của các nước Mekong trong bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong.
Về an ninh phi truyền thống là thúc đẩy hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia; an ninh y tế, an ninh mạng; hỗ trợ nhân đạo; và tăng cường khả năng ứng phó trước thảm họa, thiên tai. Về phát triển nguồn nhân lực là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục; đào tạo nghề; trao quyền cho phụ nữ và thanh niên; bình đẳng giới; và tăng cường hợp tác đại học, đào tạo nghề và các chương trình trao đổi sinh viên./.