Tiểu vùng sông Mekong mở rộng cam kết giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành dẫn đầu, tham dự Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 6 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Phiên họp toàn thể GMS-EMM-16 thông qua Tuyên bố Phnom Penh, chiều 13/9/2024. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)
Phiên họp toàn thể GMS-EMM-16 thông qua Tuyên bố Phnom Penh, chiều 13/9/2024. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-EMM-6) đã diễn ra ngày 13/9 tại thủ đô của Campuchia, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Môi trường nước chủ nhà Eang Sophalleth và bà Fatima Yasmin - Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành dẫn đầu, tham dự hội nghị.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Campuchia Eang Sophalleth cho biết hội nghị này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong các nỗ lực hiện nay để đảm bảo một tương lai xanh, sạch và bền vững cho các nước GMS. Hợp tác khu vực là chìa khóa để giải quyết các thách thức về môi trường.

ttxvn_campuchia.jpg
Bộ trưởng Bộ Môi trường Campuchia Eang Sophalleth trả lời phỏng vấn báo chí tại cuộc họp báo kết thúc GMS-EMM-16, tối 13/9/2024. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Sophalleth, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường GMS cung cấp nền tảng để các bên tăng cường quan hệ đối tác, chia sẻ tri thức và phối hợp các nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách.

Hội nghị lần này là cơ hội để các bên tái khẳng định cam kết chung đối với hợp tác khu vực, vì một tương lai xanh và bền vững hơn.

Tại hội nghị lần này, các nước GMS đã thảo luận và thông qua Khung hợp tác Chiến lược môi trường 2030 với 4 nội dung chính, bao gồm tăng cường khả năng chống chọi với khí hậu và thiên tai cho cộng đồng và hệ sinh thái; hỗ trợ quá trình chuyển đổi carbon thấp công bằng và toàn diện; thúc đẩy nền kinh tế xanh tuần hoàn và tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và triển khai các giải pháp dựa vào thiên nhiên để thúc đẩy đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái và cải thiện sinh kế.

Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố Phnom Penh về phòng ngừa ô nhiễm nhựa trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

GMS-EMM-6 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 10-13/9 tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) với sự tham dự của lãnh đạo ngành môi trường các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS).

Ngoài Hội nghị Bộ trưởng trong ngày 13/9, chuỗi hội nghị liên quan cũng diễn ra với nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo để các bên tham gia thảo luận về các vấn đề môi trường và khí hậu cấp khu vực, bao gồm: Hội thảo quốc tế về hành động khí hậu và bền vững môi trường trong khu vực GMS: Viễn cảnh và ưu tiên tương lai; cùng 6 phiên hội thảo kỹ thuật tập trung vào các chủ đề: Xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu và thiên tai, tạo điều kiện chuyển đổi carbon thấp, thúc đẩy cảnh quan thông minh với khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường thông qua kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải, triển khai công nghệ kỹ thuật số cho hành động vì khí hậu và bền vững môi trường và rủi ro thiên tai và khí hậu đổi mới công cụ tài chính.

Trong số này, tại Hội nghị thường niên lần thứ 28 của Nhóm công tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 28 (GMS WGE AM-28) diễn ra ngày 12/9, đại diện nước chủ nhà Campuchia và các quốc gia ven sông Mekong đã bày tỏ cam kết giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa đang đe dọa các dòng sông và hệ sinh thái; thảo luận về Tuyên bố chung Phnom Penh về ngăn ngừa ô nhiễm nhựa ở khu vực GMS, vốn đang ngày càng gia tăng và đe dọa các dòng sông, đại dương, hệ sinh thái và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người.

Tuyên bố Phnom Penh chính thức được thông qua tại phiên họp toàn thể GMS-EMM-6 vào chiều 13/9.

Campuchia và các quốc gia GMS khẳng định cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, cũng như thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn thông qua hành động chung, bao gồm cùng nhau giảm thiểu rác thải nhựa, cải thiện quản lý chất thải và bảo vệ các tuyến đường thủy quan trọng, cùng những vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên bền vững trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Thiệt hại tại tháp kiểm soát thuộc sân bay quốc tế Dzaoudzi–Pamandzi Marcel Henry, vài giờ sau khi bão Chido tấn công đảo Mayotte, ngày 14/12 (Ảnh: AFP)

Pháp: Ít nhất 14 người thiệt mạng do bão Chido

Ít nhất 14 người đã thiệt mạng tại vùng đảo Mayotte của Pháp sau khi bão Chido tàn phá khu ổ chuột của vùng lãnh thổ hải ngoại trên Ấn Độ Dương này. Dự báo số nạn nhân sẽ còn tiếp tục tăng lên.