Phát biểu tranh luận tại nghị trường sáng nay, 5/6, qua ý kiến trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn về vấn đề xả rác thải điện tử và rác nhựa chưa được giải đáp trong phần chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo đại biểu, ngành Công thương đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng và đó cũng là ngành xả lượng rác thải rất lớn ra môi trường. Trước đó, ngành Tài nguyên và Môi trường mặc dù bị chất vấn trong phiên họp ngày 4/6 về việc làm sao dọn sạch được rác xả ra môi trường, nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng với đại biểu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết chưa thấy sự liên kết giữa hai ngành Tài nguyên và Môi trường với ngành Công thương để xử lý rác điện tử và rác nhựa. Bởi rác điện tử những năm gần đây gia tăng rất mạnh và xử lý rác điện tử rất khác với xử lý rác hữu cơ. Nếu hai ngành này không liên kết phối hợp với nhau thì sẽ không giải quyết được.
“Ví dụ khi chúng ta phát triển xe điện, từ đó dẫn đến rác thải là pin điện. Chúng ta đẩy mạnh năng lượng tái tạo là năng lượng Mặt Trời, dẫn đến rác thải pin Mặt Trời thì cách xử lý như thế nào? Khi đẩy mạnh số hóa, đẩy mạnh công nghệ thì rác điện tử từ hàng chục triệu người tiêu dùng đã chiếm số lượng rất lớn, nhưng tôi chưa thấy sự phối hợp xử lý giữa hai ngành này. Điều đó sẽ cản trở sự phát triển bền vững của chúng ta trong tương lai,” đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng.
Trao đổi với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ đồng tình vấn đề xử lý môi trường trong ngành Công thương, đặc biệt là vấn đề rác trong một số lĩnh vực mới, công nghiệp mới nổi.
“Ví dụ trong lĩnh vực năng lượng chẳng hạn, chúng ta nói là điện gió, điện Mặt Trời, điện sạch nhưng sau chu kỳ khai thác, những linh kiện, thiết bị này sẽ đẩy ra môi trường gây ô nhiễm rất lớn. Báo cáo với đại biểu, chúng tôi không phải không có sự phối hợp giữa hai ngành hay nhiều ngành với nhau, trên thực tế trong mọi chính sách, cơ chế Chính phủ đã ban hành hoặc bộ đề xuất thì đều phải gắn kết trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng. Bởi một mình không bao giờ làm được. Cho nên, chúng tôi cảm ơn đại biểu nhắc nhở nhưng chúng tôi đã, đang và sẽ làm như vậy,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Về vấn đề đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn, tranh luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết trong Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rất đầy đủ.
Phân loại rác thải tại nguồn: Nhiều địa phương chưa sẵn sàng nhập cuộc
Một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh nếu đưa chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường vào nội dung giám sát tối cao năm 2025, vấn đề rác thải sẽ sớm được giải quyết hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng, trong luật quy định rõ là cấm một số loại rác thải nhựa không phân hủy. Bên cạnh đó, luật cũng đề ra trách nhiệm của bên thứ ba là các nhà đầu tư kinh doanh thương mại phải chịu mở rộng trách nhiệm liên quan đến thu gom và xử lý đến cùng. Thêm vào đó, luật cũng quy định đối với rác thải điện tử hiện nay sẽ phải áp dụng đúng như trường hợp cần mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà đầu tư, tức là họ phải có trách nhiệm đến cùng, phải thu gom các sản phẩm hết hạn sử dụng và xử lý các chất thải.
“Trong rác thải điện tử có đến 80% là cần phải tái chế và sử dụng lại. Bởi đó là những vật liệu quý hiếm, những vật liệu có giá trị nên có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi cần công nghệ cao và vấn đề này nằm trong chính sách phát triển liên quan đến công nghệ điện tử, công nghệ mới,” Phó Thủ tướng cho biết./.