Tìm cách nới lỏng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga sang châu Phi

Liên hợp quốc đang hợp tác với Afreximbank để xây dựng một nền tảng giúp các quốc gia vừa và nhỏ ở châu Phi giải quyết tình trạng giao dịch bị gián đoạn cũng như tiếp cận ngũ cốc và phân bón của Nga.
Tìm cách nới lỏng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga sang châu Phi ảnh 1Ngũ cốc được chuyển lên tàu chở hàng tại cảng quốc tế Rostov-on-Don, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) - người phụ trách việc thực thi thỏa thuận của Liên hợp quốc với Nga, ngày 24/5, cho biết Liên hợp quốc đang hợp tác với Ngân hàng xuất-nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) tạo một nền tảng giúp xử lý các giao dịch xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga sang châu Phi.

Tháng 7/2022, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã được ký với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.

[Nga không thảo luận về giả định liên quan Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen]

Các thỏa thuận trên nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng hàng hóa toàn cầu mà Liên hợp quốc cho là trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraine, vì cả Nga và Ukraine đều là nhà cung cấp ngũ cốc và phân bón cho thị trường thế giới, nhất là cho thị trường châu Phi và Trung Đông.

Trao đổi với hãng tin Reuters, bà Rebeca Grynspan, người phụ trách việc thực hiện thỏa thuận của Liên hợp quốc với Nga, cho rằng hiện tại chưa thể cải thiện tình trạng khủng hoảng hàng hóa, đồng thời khẳng định hai thỏa thuận trên là “phao cứu sinh đối an ninh lương thực” trên toàn thế giới.

Bà Grynspan cũng cho biết bà đang hợp tác với Afreximbank để xây dựng một nền tảng giúp các quốc gia vừa và nhỏ ở châu Phi giải quyết tình trạng giao dịch bị gián đoạn cũng như tiếp cận ngũ cốc và phân bón của Nga.

Nền tảng này cho phép các nước châu Phi đẩy nhanh việc thẩm định với khách hàng để đảm bảo không vi phạm các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.

Xuất khẩu nông sản của Nga không phải chịu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Tuy nhiên, Nga cho rằng nước này phải chịu những hạn chế đối với thanh toán, logistics, bảo hiểm và ảnh hưởng rộng lớn hơn từ các biện pháp trừng phạt.

Hiện ngân hàng Afreximbank, có trụ sở tại Cairo (Ai Cập), chưa đưa ra bình luận với phát biểu trên của bà Grynspan.

Hồi tháng 6 năm ngoái, Ngân hàng nông nghiệp của Nga, Rosselkhozbank, đã bị Liên minh châu Âu (EU) loại khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT.

Nga muốn ngân hàng này được kết nối lại song EU chưa cân nhắc yêu cầu từ phía Nga.

Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ đã xử lý một số khoản thanh toán xuất khẩu ngũ cốc của Nga và có thể xử lý thêm hàng chục khoản nữa - như một giải pháp thay thế.

Tuy nhiên, Nga không chấp nhận giải pháp này vì cho rằng không mang tính dài hạn.

Khoảng 260.000 tấn phân bón của Nga cũng đã bị mắc kẹt tại một số cảng châu Âu.

Nga cho biết số phân bón này sẽ ủng hộ cho các nước có nhu cầu. Liên hợp quốc đã giúp sắp xếp việc giải phóng 2 chuyến hàng đầu tiên đến Malawi và Kenya.

Bà Grynspan cho biết một chuyến hàng nữa đã được lên kế hoạch bàn giao cho Nigeria và có thể cho Sri Lanka và Nam Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.