Chiều 5/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về giải pháp kỹ thuật phòng, chống sụt lún, sạt lở tại các tỉnh phía Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2018, Đồng bằng sông Cửu Long có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.
Tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô, diễn ra ở các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm, điểm nguy hiểm nhất thuộc tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 14km.
[Sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp]
Tình hình sụt lún, sạt lở do nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc sử dụng nước ngầm quá mức, tình trạng khai thác cát quá khối lượng cho phép, vấn đề sử dụng tài nguyên nước ở thượng nguồn sông Mekong... Bên cạnh đó, còn do công tác dự báo, quy hoạch chưa hiệu quả; vấn đề vận tải giao thông thủy do tàu thuyền trọng tải nặng, tốc độ cao dẫn đến sụt lún, sạt lở đất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật để ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Quốc hội cũng đã phân bổ ngân sách lớn cho phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ, tư vấn nhiều giải pháp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng. Trên cơ sở cơ chế, pháp luật hiện hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tiến hành nghiên cứu khoa học, xây dựng nhiều chương trình, lập quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai...
Để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, trước mắt cần bố trí vốn cho thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; bố trí vốn cho các dự án khẩn cấp ổn định dân cư và bảo vệ các vùng sạt lở bờ sông, bờ biển có nguy cơ cao...
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cho rằng sạt lở bờ sông, bờ biển và lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề rất nghiêm trọng và có xu thế không thể đảo ngược, tác động lâu dài tới phát triển bền vững của vùng. Do vậy, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, từ hoàn thiện chính sách, pháp luật, đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải có giải pháp kỹ thuật để xử lý tình trạng sụt lún, sạt lở tại các tỉnh phía Nam, trong đó cần có giải pháp lâu dài và giải pháp mang tính chất cấp bách trong vòng 2-5 năm tới. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, quy hoạch lại tổ chức sản xuất, dân cư, bố trí cơ sở hạ tầng, có những biện pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mekong... Trước mắt, các địa phương lựa chọn phương án kỹ thuật hợp lý, tập trung xử lý 562 điểm sạt lở cấp bách.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các địa phương tăng cường việc quản lý sử dụng tài nguyên như khai thác cát, quy hoạch xây dựng, quy hoạch dân cư. Chính phủ nên nghiên cứu cơ chế, chính sách để đưa ra Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển./.