Tìm giải pháp quảng bá và đưa phim Việt tiếp cận thị trường thế giới

Theo chuyên gia, ngoại trừ phim “Mai” của nghệ sỹ Trấn Thành gần đây, các bộ phim để đưa ra thị trường quốc tế vẫn còn là một thách thức lớn.

Các đại biểu chia sẻ ý kiến trong phiên thảo luận “Phát triển chiến lược Liên hoan Phim.” (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Các đại biểu chia sẻ ý kiến trong phiên thảo luận “Phát triển chiến lược Liên hoan Phim.” (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Các chiến lược quảng bá và phân phối phim Việt tại địa phương khó tiếp cận thị trường châu Âu và Mỹ do mang văn hóa bản địa.

Đây là nội dung được bà Trần Phương Thảo, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn BHD đưa ra tại Hội thảo Liên hoan Phim Toàn cầu 101, trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2024 (HIFF 2024) diễn ra ngày 9/4.

Theo bà Trần Phương Thảo, khi làm phim, những nhà làm phim mới chỉ hướng đến thị trường trong nước vì họ nghĩ rằng khán giả trong nước quan trọng hơn và thị trường quốc tế tiêu thụ không đáng kể.

Họ chỉ chọn thị trường quốc tế khi những bộ phim đó thực sự đã gây được tiếng vang khi công chiếu tại thị trường trong nước.

Tại thị trường nội địa Việt, phim hài kịch có thể phổ biến và dễ tiếp cận nhóm đối tượng khán giả trong nước nhưng cũng vẫn là thể loại phim mà khách quốc tế hạn chế lựa chọn.

Ngoại trừ phim “Mai” của nghệ sỹ Trấn Thành gần đây, các bộ phim để đưa ra thị trường quốc tế vẫn còn là một thách thức lớn.

Đại diện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn BHD phân tích bên cạnh những khó khăn về nội dung, các nhà làm phim Việt vẫn có thói quen làm “cuốn chiếu” mà chưa xây dựng kế hoạch cụ thể ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, dẫn đến thất bại trong việc đưa phim ra nước ngoài.

Tương tự, bà Winnie Lau, cựu Giám đốc Phát triển và Phân phối tại châu Á, công ty con của SKE, cho rằng mặc dù Việt Nam là thị trường điện ảnh đang phát triển, các dự án như “Mai,” “Người vợ cuối cùng…" cũng là các sản phẩm đóng góp cho nền điện ảnh thêm phần đa dạng nhưng việc hợp tác sản xuất trong phim ảnh vẫn còn là hạn chế với những nhà làm phim Việt.

So với những nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, họ có sự tương đồng về văn hóa, thị trường và cả những nhà làm phim nên việc tiếp cận toàn cầu thị trường nước ngoài không quá khó khăn.

Theo bà Winnie Lau, làm ra một bộ phim là cách nhanh và hiệu quả nhất để mang địa phương đó đến toàn cầu. Hầu hết, các địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt cho các nhà làm phim quốc tế.

Điều này giúp các nhà làm phim từ xa đến thực sự có được cái nhìn bao quát, nắm bắt được đời sống, phong tục văn hóa, dễ đến gần hơn với ngoại giao văn hóa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phạm Hoàng Quân, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Truyền thông ProductionQ, cho rằng một lý do khiến chiến lược quảng bá và phân phối phim Việt còn hạn chế bởi những nhà làm phim chưa thực sự hiểu về marketing film (chiến lược marketing sản phẩm liên quan đến phim ảnh).

Do đó, họ cần tìm hiểu về khán giả, những điểm nổi bật từ các dự án phim nhằm thu hút khán giả; đồng thời thay đổi hướng tiếp cận khán giả từ các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…

Bên cạnh đó, khi có kế hoạch cho phim ra thị trường nước ngoài, các nhà làm phim cần chuẩn bị kỹ càng các bước; trong đó, cần có chiến lược cụ thể trên các nền tảng để dự án phim được công chúng biết đến rộng rãi.

Một dự án phim ra nước ngoài thành công cần có sự kết hợp hiệu quả giữa các thành viên marketing và nhà sản xuất phim./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục