Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có cuộc họp để bàn các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới.
Cuộc họp có sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới; căng thẳng chính trị giữa Liên bang Nga và Ukraine; cạnh tranh thương mại càng thêm gay gắt; thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế-xã hội…
Việc các quốc gia đều tung gói kích cầu đã đẩy nguy cơ lạm phát lên rất cao; tình trạng khan hiếm vật tư chiến lược như xăng dầu, khí đốt, than đốt, chất bán dẫn… hiện hữu gây ra khó khăn cho sản xuất.
Do nắm bắt tình hình sớm nên ngay từ tháng 1/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký công văn báo cáo Chính phủ, đề xuất các giải pháp liên quan đến khâu thanh toán hàng hóa, đa dạng thị trường… Đồng thời chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài theo dõi sát tình hình, tham mưu Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga và các thị trường có liên quan.
Tại cuộc họp, các ý kiến cũng đưa ra những đánh giá, nhận xét về tình hình kinh tế thế giới cũng như dự báo những tác động có thể xảy ra đối với Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng Liên bang Nga và Ukraine dù không phải là thị trường lớn nhưng vẫn quan hệ giao thương với Việt Nam ở những mặt hàng nông nghiệp như phân bón, nguyên liệu chăn nuôi…
“Chúng ta xuất khẩu sang các sang thị trường này một lượng hàng hóa không lớn nhưng cũng có sự lan tỏa ra khu vực thị trường liên minh Á-Âu là khu vực Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA). Do đó, sự đứt gãy này sẽ tác động đến cả những thị trường liên đới khác, liên quan đến các giao dịch thanh toán với các doanh nghiệp. Chưa kể, Việt Nam phải lường trước được những tác động đến vấn đề tỷ giá, ngoại tệ, phương thức thanh toán… do xung đột này gây ra,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.
[Tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Nga và Ukraine]
Từ nhận định tình hình nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị cần chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình để tham mưu đề xuất các biện pháp điều hành của Bộ cũng như tham mưu kịp thời các biện pháp điều hành cho Chính phủ.
Cụ thể, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cần kết nối chặt chẽ với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài, kết nối trực tiếp với các đơn vị ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài và cơ quan Thương vụ nước ngoài tại Việt Nam để theo dõi nắm bắt.
Vụ này cũng cần cập nhật thường xuyên, liên tục tình hình căng thẳng về chính trị, ngoại giao, sự chuyển hướng trong chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của các nước để báo cáo kịp thời lãnh đạo bộ, cung cấp thông tin cho các bộ, ngành có liên quan.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần theo dõi sát biến động cung cầu các mặt hàng chiến lược nhạy cảm, kịp thời có biện pháp điều hành phù hợp, tận dụng được cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và đảm bảo cung cầu cho thị trường trong nước.
Hơn nữa, các đơn vị phải đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu; các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đặc biệt, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo luồng hàng hóa xuất nhập khẩu được lưu thông thông suốt cũng như tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, triển khai các giải pháp tạo thuận lợi hoá thương mại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác, cùng nhau tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp.
Đáng lưu ý, hai bộ cần chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông thủy sản của Việt Nam vào các thị trường; tiếp tục khai thác tốt thị trường truyền thống; tiếp cận các thị trường mới; kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu nông lâm thủy sản đến các thị trường.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành hữu quan, cấp ủy chính quyền các địa phương như tài chính, giao thông, công an, ngoại giao… phối hợp, tạo điều kiện để việc sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa trong nước cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài thuận lợi trong thời gian tới.
Bộ trưởng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu các hình thức thanh toán cũng như có khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng và các khâu thanh toán./.