Theo trang mạng eastasiaforum.org, bước sang năm thứ hai, chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa thể đưa ra được một chính sách kinh tế nhất quán của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, hai hiệp định thương mại khu vực lớn là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang trên đà tiến triển.
Các doanh nghiệp và người lao động Mỹ sẽ ngày càng phải chịu sự phân biệt đối xử về kinh tế một cách hợp pháp từ các quy tắc thương mại khu vực mới này.
Những điểm tương đồng và tương phản giữa chính quyền ông Biden so với chính quyền ông Barack Obama rất nổi bật. Giống như ông Biden, ông Obama khi nhậm chức đã tuyên bố cần phải khắc phục nền kinh tế Mỹ trước tiên, nhưng lại không đưa ra kế hoạch thúc đẩy các sáng kiến thương mại mới.
Tuy nhiên, trong vòng một năm, trước những thách thức ngoại giao và an ninh gia tăng ở châu Á, nhất là sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trên các vùng biển lân cận, chính quyền ông Obama đã thay đổi chính sách và tham gia các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống Obama cũng “tái cân bằng” các vũ khí quân sự sang châu Á.
[Chính quyền Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]
Năm 2022, mối liên hệ giữa các nhu cầu kinh tế và các nguy cơ an ninh càng trở nên cấp bách hơn. Mặc dù chính quyền Biden đã đạt được một số tiến bộ trên mặt trận an ninh bằng cách nâng cấp “Nhóm Bộ tứ” và ký kết thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS), nhưng nước Mỹ lại không có được một động thái kinh tế đáng tin cậy.
Bỏ qua những khó khăn nội bộ của chính quyền ông Biden, thực tế là cơ sở chính trị cho việc thúc đẩy những bước tiến kinh tế quốc tế của Mỹ rất bất lợi. Phe cấp tiến của Đảng Dân chủ - vốn liên minh chặt chẽ với các nghiệp đoàn lao động công nghiệp - tiếp tục phản đối các chính sách thương mại và đầu tư cởi mở. Điều này đã buộc Tổng thống Biden phải hứa hẹn cải cách trong nước trước khi thúc đẩy những tiến bộ kinh tế quốc tế.
Về phía Đảng Cộng hòa, học thuyết kinh tế “Nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Donald Trump đã tạo nên tư duy chống thương mại tương tự.
Với việc Quốc hội phân chia đồng đều giữa hai đảng và sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Dân chủ cầm quyền, chính quyền Biden đang trở nên “què quặt.”
Cái gọi là Thẩm quyền xúc tiến thương mại (TPA), đặc quyền được quốc hội trao cho tổng thống để đàm phán các hiệp định thương mại mới, đã hết hiệu lực và không có triển vọng gia hạn trong tương lai gần.
Chính quyền ông Biden đã tự làm khó mình khi không thể có một tiếng nói nhất quán và chỉ đưa ra các lựa chọn thay thế kém thuyết phục cho các quy tắc thương mại và đầu tư mạnh mẽ.
Nhiều tiếng nói đang tranh giành vai trò lãnh đạo trong nội bộ về chính sách kinh tế quốc tế, bao gồm Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Thương mại và Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ do Katherine Tai đứng đầu.
Mặc dù đảm nhận chức vụ hiện nay với danh tiếng xuất chúng, song Katherine Tai không có quan hệ thân cận với Tổng thống Biden và thường tỏ ra bị lép vế trước các quan chức trong Nhà Trắng và Bộ Thương mại.
Kurt Campbell, Điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã khẳng định Mỹ sẽ “tăng tốc cuộc chơi của mình” ở châu Á. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cũng đi đầu trong việc quảng bá các kế hoạch cho một khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “mạnh mẽ hơn” và toàn diện hơn so với các hiệp định thương mại truyền thống.
Công bằng mà nói, các quan chức chính quyền Biden đã tham vấn các đối tác châu Á một cách tỉ mỉ thông qua một số chuyến đi của các quan chức hàng đầu.
Chính quyền Mỹ đã hứa sẽ công bố khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được xây dựng hoàn chỉnh trong vài tuần tới. Trong khi các thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố, rõ ràng là các yếu tố lớn được các quan chức hàng đầu của Biden tung hô vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại truyền thống. Chúng có thể sẽ tập trung vào các vấn đề xã hội và chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một sáng kiến thương mại kỹ thuật số riêng biệt tiềm năng có thể sẽ bao gồm các điều khoản về đào tạo và phát triển nhân lực, các tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và chống thiên vị trong các thuật toán nền tảng.
Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ luôn kiên định quan điểm chỉ đàm phán các hiệp ước thương mại “có thể thực thi.” Để đảm bảo sự coi trọng của chính quyền Biden với các vấn đề công lý và công bằng xã hội, bà Tai đã bày tỏ sự hoài nghi về tính phù hợp của các hiệp định tự do hóa thương mại truyền thống.
Bà cũng ví khuôn khổ này giống như cơ quan tư vấn mới là Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU. Trong trường hợp chính quyền dự định ký một thỏa thuận hành pháp như vậy, nó sẽ bị hạn chế vì có thể bị tổng thống tiếp theo sửa đổi và không bị ràng buộc bởi luật pháp Mỹ.
Nếu thiếu vắng những cam kết nhượng bộ và mở cửa thị trường mà Mỹ đưa ra trong CPTPP, Washington sẽ khó lòng thuyết phục các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rằng khuôn khổ này tương đương với ngay cả những nhượng bộ hạn chế mà Trung Quốc hứa hẹn trong RCEP./.