Tìm hiểu về thuyết đấu giá đoạt giải Nobel kinh tế 2020

Nghiên cứu của hai nhà kinh tế Mỹ R.Milgrom (72 tuổi) và B.Winson (83 tuổi) đã mang lại lợi ích cho người bán, người mua và những người nộp thuế trên khắp thế giới.
Tìm hiểu về thuyết đấu giá đoạt giải Nobel kinh tế 2020 ảnh 1Chân dung hai nhà kinh tế người Mỹ Paul. R.Milgrom (trái) và Robert B.Winson đoạt giải Nobel Kinh tế 2020 trong cuộc họp báo công bố giải Nobel ở Stockholm, Thụy Điển ngày 12/10/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm chiều 12/10 (theo giờ Việt Nam), giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho 2 nhà kinh tế học người Mỹ gồm Paul R.Milgrom và Robert B.Winson với nghiên cứu về lý thuyết đấu giá và sáng tạo ra các hình thức đấu giá mới.

Hai nhà kinh tế này trước đó đã được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Kinh tế năm nay.

Hai nhà kinh tế R.Milgrom (72 tuổi) và B.Winson (83 tuổi) đã nghiên cứu cách thức hoạt động của các cuộc đấu giá.

Họ cũng đã vận dụng những hiểu biết của mình để thiết kế các hình thức đấu giá mới dành cho các loại hàng hóa và dịch vụ gặp khó khăn khi được bán theo cách truyền thống, như tần số vô tuyến.

Nghiên cứu của họ đã mang lại lợi ích cho người bán, người mua và những người nộp thuế trên khắp thế giới.

Thông thường, mọi người luôn bán những mặt hàng cho những người trả giá cao nhất hoặc mua chúng từ bất kỳ người bán đưa ra mức giá rẻ nhất.

[Nghiên cứu về đấu giá, 2 nhà kinh tế Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế 2020]

Ngày nay, các vật dụng hay hàng hóa có giá trị lớn được giao dịch mỗi ngày qua các cuộc đấu giá, không chỉ đồ gia dụng, các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật, mà còn cả chứng khoán, khoáng sản và năng lượng.

Các chương trình mua sắm công cũng có thể được tiến hành như các cuộc đấu giá.

Vận dụng thuyết đấu giá, các nhà nghiên cứu người Mỹ trên đã nỗ lực tìm hiểu những tác động của các quy tắc khác nhau về đấu thầu và các mức giá cuối cùng - hình thức đấu giá.

Đây là một vấn đề khó, bởi những người tham gia đấu giá thường hành xử theo một chiến lược bài bản, dựa trên những thông tin sẵn có. Họ cân nhắc cả những điều họ biết và cả những điều mà họ tin rằng những người đấu giá khác phải biết.

Nhà kinh tế học B.Winson đã phát triển lý thuyết đấu giá các vật dụng mang giá trị chung - một giá trị dù không mang tính chắc chắn trước đó nhưng cuối cùng lại được tất cả mọi người có chung nhận định.

Đơn cử như giá trị tương lai của tần số vô tuyến hay khối lượng khoáng sản trong một khu vực cụ thể.

Ông B.Winson đã chỉ ra lý do tại sao những người đưa ra giá thầu hợp lý thường có xu hướng đưa ra giá thầu thấp hơn ước tính tốt nhất của họ về giá trị chung: đó là họ lo lắng về "lời nguyền của người chiến thắng" - nghĩa là trả quá nhiều và bị thua lỗ.

Trong khi đó, nhà kinh tế học R.Milgrom đã xây dựng một lý thuyết tổng quát hơn về đấu giá, theo đó không chỉ cho phép các giá trị chung mà còn cho phép các giá trị riêng khác nhau giữa những người đấu giá.

Ông đã phân tích các chiến lược đấu giá trong một số hình thức đấu giá nổi tiếng, chứng minh rằng một hình thức sẽ mang lại cho người bán doanh thu dự kiến cao hơn khi những người đấu giá nghiên cứu và tham khảo thêm về các giá trị ước tính của nhau trong quá trình đấu giá.

Theo thời gian, các xã hội đã phân bổ các hàng hóa hay vật dụng phức tạp hơn giữa những người dùng, chẳng hạn như các địa điểm máy bay hạ cánh/cất cánh và tần số vô tuyến.

Trước sự chuyển biến này, hai nhà kinh tế R.Milgrom và B.Winson đã tìm ra các hình thức đấu giá mới để có thể bán đấu giá đồng thời nhiều loại hàng hóa/vật thể/đối tượng có liên quan với nhau, thay mặt cho một người bán muốn có được các lợi ích xã hội rộng lớn, thay vì doanh thu tối đa.

Vào năm 1994, giới chức Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng một trong những hình thức đấu giá của họ để bán tần số vô tuyến cho các nhà khai thác viễn thông. Kể từ đó, nhiều quốc gia cũng đã làm theo cách này của Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Kinh tế, Peter Fredricksson đánh giá hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay đã nghiên cứu từ những lý thuyết cơ bản, từ đó vận dụng kết quả thu được trong các ứng dụng thực tế để áp dụng trên quy mô toàn cầu.

Ông nhấn mạnh khám phá này của họ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.

Giải Nobel Kinh tế có tên gọi chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế, được Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra năm 1968 để tưởng nhớ Nobel.

Mỗi giải thưởng Nobel năm nay sẽ bao gồm huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.