Thị trường Châu Phi và Trung Đông có sức mua lớn, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu cũng phù hợp với năng lực và thế mạnh của Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đó là nhận định của ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo: "Những cơ hội và thách thức đối với thị trường Châu Phi-Trung Đông," do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25/6, tại Hà Nội.
Nói về những cơ hội tại Châu Phi, ông Phạm Trung Nghĩa cho rằng, xét về tổng thể, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của các bên đều mang tính bổ sung cho nhau; hàng hóa Việt Nam bước đầu đã tạo dựng được chỗ đứng cũng như uy tín đối với người tiêu dùng tại hai khu vực này.
Không những thế, nhiều quốc gia ở châu Phi còn được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu hoặc các nước trong khu vực châu Phi. Đây sẽ là một đòn bẩy tích cực trong việc đưa hàng Việt Nam mở rộng thị trường và được khách hàng biết đến nhiều hơn.
Báo cáo của Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á cho thấy, từ năm 2010 Việt Nam liên tục xuất siêu sang châu Phi, cụ thể năm 2010 xuất siêu 1,023 tỷ USD, năm 2011 xuất siêu 2,286 tỷ USD, năm 2012 xuất siêu 1,453 tỷ USD, năm 2013 xuất siêu 1,464 tỷ USD.
Tương tự, thị trường Trung Đông cũng đầy triển vọng với doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, năm 2012 Việt Nam xuất siêu 1,714 tỷ USD, năm 2013 xuất siêu 3,740 tỷ USD sang thị trường các nước Trung Đông.
"Trong bối cảnh Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu thì các thị trường tiềm năng như châu Phi và Trung Đông là điểm đến khá hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong nước," ông Nghĩa nói.
Cùng chung nhận định về 2 thị trường khu vực trên, theo bà Trần Thị Lan Hương, Phó Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, hiện một số mặt hàng của Việt Nam có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh rất cao trên 2 khu vực thị trường này, đây sẽ là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Lan Hương cũng chỉ rõ, mặc dù mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi và Trung Đông đã đa dạng hơn, nhưng chỉ có một số mặt hàng có chỗ đứng nhất định như dệt may, cà phê, hạt tiêu, máy tính, linh kiện điện tử, còn hầu hết các mặt hàng khác xuất khẩu thất thường (chẳng hạn như gạo, thủy sản, vật liệu xây dựng.).
Hơn nữa, nhiều mặt hàng có nhu cầu lớn như hải sản, rau quả, công nghiệp tiêu dùng..., nhưng Việt Nam vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ, chưa tiếp cận vững chắc trên các thị trường này.
Do vậy, để đón đầu những cơ hội làm ăn mới và có thể chuyển từ thị trường tiềm năng thành thị trường chủ lực, trong chiến lược xuất nhập khẩu vào Châu Phi - Trung Đông, bà Thu cho rằng, Việt Nam cần lựa chọn và tập trung ưu tiên cho những lĩnh vực trọng điểm và mặt hàng trọng điểm.
Cụ thể, Việt Nam cần tập trung vào Ai Cập, Algeria, Nam Phi, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để làm khâu đột phá vào khu vực châu Phi và Trung Đông, bởi qua Ai Cập và Algeria có thể mở rộng sang thị trường Bắc Phi, qua Nam Phi để mở đường vào Châu Phi cận Sahara và qua UAE để mở rộng sang Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (khối GCC).
Còn về mặt hàng, bà Thu cho rằng, cần ưu tiên cho các các sản phẩm nông nghiệp như: gạo, hạt tiêu, cao su, hạt điều, cà phê, thủy sản, nguyên liệu thuốc lá, rau quả; các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như giày dép, dệt may, điện tử và linh kiện, điện thoại di động, hàng thủ công mỹ nghệ, xe máy, các mặt hàng công nghiệp xây dựng (vật liệu xây dựng như sắt, thép, phế liệu, dây điện, cáp điện…
Ngoài ra, để phòng tránh các rủi ro, nhất là các hợp đồng xuất khẩu khi làm qua trung gian, tại buổi Hội thảo, lãnh đạo Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á cũng cảnh báo doanh nghiệp cần phải yêu cầu đối tác đặt cọc trước 30% giá trị hợp đồng và thông qua thương vụ Việt Nam tại khu vực để giảm thiểu những rủi ro.
"Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhiều đoàn Xúc tiến thương mai sang các thị trường trọng điểm ở châu Phi và Trung Đông, các Hiệp hội và doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để tham gia tiếp cận và làm việc với đối tác nhằm đạt hiệu quả hơn," lãnh đạo Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á khuyến nghị./.