Từ ngày 23-24/3, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico) sẽ phối hợp với Bộ Kinh tế Mexico tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến xúc tiến thương mại và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-Mexico 2022.
Hội nghị này nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Mexico.
Gần 60 doanh nghiệp Việt Nam và Mexico đã đăng ký tham gia hội nghị, tìm kiếm cơ hội kết nối đối tác tiềm năng trực tuyến và trao đổi, chia sẻ các thông tin về khả năng xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của hai nước, một số vấn đề cần biết khi kinh doanh tại thị trường của nhau.
Các doanh nghiệp tham gia hội nghị sẽ được Ban tổ chức bố trí lịch giao thương, hướng dẫn trao đổi tại các phiên giao thương theo nhóm sản phẩm hoặc theo cặp doanh nghiệp. Hội nghị bao gồm các phiên giao thương dành cho các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu, chào bán đa dạng các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao tới các nhà nhập khẩu Mexico.
Ngoài ra, hội nghị cũng dành riêng một số phiên phục vụ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm nguồn cung sản phẩm chế tạo như máy điện, thiết bị điện tử, điều hòa không khí, dụng cụ quang học, thiết bị y tế… từ các nhà sản xuất và thương mại Mexico.
Theo Bộ Công Thương, những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mexico ngày càng phát triển. Hàng năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đều có mức tăng trưởng dương và cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam.
Thống kê cho thấy năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt 4,61 tỷ USD, tăng 46,1% so với năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép các loại, hàng thủy sản.
[Tận dụng ưu đãi thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang Mexico]
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mexico năm 2021 đạt 500 triệu USD, giảm 4,5 % so với năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, thức ăn gia súc và nguyên liệu. Như vậy, năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang Mexico hơn 4 tỷ USD.
Riêng 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt 673,3 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu của Việt Nam từ Mexico đạt 95,3 triệu USD, tăng 14,2%. Việt Nam xuất siêu gần 600 triệu sang Mexico trong 2 tháng đầu năm nay.
Giữa Việt Nam và Mexico có Ủy ban hợp tác về Kinh tế, Thương mại và Đầu tư, hoạt động hiệu quả và đã tiến hành 3 khóa họp. Đặc biệt, việc tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Mexico là thành viên là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy thương mại giữa hai nước.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hết sức quan tâm tới việc tăng cường trao đổi thương mại với thị trường Mexico giàu tiềm năng. Đây là một thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh, tuy nhiên, quy định về chỉ dẫn xuất xứ, an toàn thực phẩm vẫn được quản lý chặt chẽ. Mặt khác, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại Mexico mới chỉ đạt con số khiêm tốn khoảng 1,3% và còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.
Đáng lưu ý, những năm gần đây, Mexico đang thực hiện đẩy mạnh chiến lược mở cửa nền kinh tế. Cùng với việc củng cố quan hệ thương mại với các đối tác chiến lược, Mexico thúc đẩy mạnh mẽ việc tìm kiếm các thị trường mới như Mỹ Latinh và châu Á-Thái Bình Dương nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác truyền thống.
Để hỗ trợ cho chính sách mở cửa, trong những năm qua Mexico đã thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng trong luật hải quan như đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng cửa sổ điện tử nhằm tự động hóa nhiều thủ tục ngoại thương. Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn động thực vật, để thuận tiện Mexico đã xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để các bên liên quan có thể tiếp cận các yêu cầu về vệ sinh an toàn động thực vật.
Một số mặt hàng Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi về thuế trong Hiệp định CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico bao gồm cá tra, cá basa, cá ngừ, gạo và hàng dệt may. Mỗi năm Mexico nhập khẩu khoảng 900.000 tấn gạo, 1,8 tỷ USD hàng dệt may và 1,1 tỷ USD hàng giày dép các loại./.