Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu năm 2022

IMF nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2022 sẽ cao hơn nhiều so với mức độ tăng trưởng bình quân 3% trong 50 năm qua.
Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu năm 2022 ảnh 1Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng ở Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, sau gần hai năm phục hồi chậm chạp, kinh tế toàn cầu đã hoàn toàn thoát đáy.

Mặc dù có thể sẽ xuất hiện những thăng trầm trong giai đoạn tiếp theo, nhưng xu hướng tăng trưởng mang tính phục hồi tổng thể sẽ khó thay đổi.

Về vấn đề này, trong “Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới” mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2022.

IMF cũng nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2022 sẽ cao hơn nhiều so với mức độ tăng trưởng bình quân 3% trong 50 năm qua, đồng thời sẽ trở thành năm kinh tế toàn cầu liên tục tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu những năm 1970 đến nay.

Tuy nhiên, phân tích kỹ nhận định của IMF sẽ phát hiện rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ thấp hơn đáng kể so với năm 2021.

[Chính sách tiền tệ của các nước sẽ có sự phân hóa trong năm 2022]

Hơn nữa so với nhận định trước đây, dự báo mới nhất của IMF đã có điều chỉnh giảm. Mặt khác, dù kinh tế năm nay tiếp tục phục hồi, nhưng vẫn chưa trở về mức bình thường như trước khi dịch bệnh bùng phát.

IMF nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế tổng thể không đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước đều chạm đỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trên toàn cầu vẫn có thể chậm lại trong năm 2022, đặc trưng tăng trưởng kinh tế không đồng đều vẫn đang nới rộng.

Kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi về mức tăng trưởng trước khi dịch bệnh xuất hiện, và động thái điều chỉnh thấp dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của IMF cho thấy kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều nhân tố bất ổn trong năm mới.

Những trở ngại lớn nhất

Dịch COVID-19 vẫn là trở ngại lớn nhất trên con đường phục hồi kinh tế toàn cầu. Cùng với việc các nước tăng cường kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng lên, những ràng buộc và tác động tiêu cực mà COVID-19 gây ra đối với sản xuất và đời sống sẽ giảm.

Tuy nhiên, trong năm tới, ít có khả năng virus SARS-CoV-2 biến mất, nguyên nhân chủ yếu là mỗi chính phủ và mỗi người dân có nhận thức và hành động đối với virus khác nhau. Chừng nào con đường lây lan của virus chưa được cắt đứt, thì dịch bệnh vẫn tồn tại tính ngắt quãng và khả năng bùng phát cục bộ.

Mấu chốt của vấn đề là thành quả tiến triển nghiên cứu vaccine luôn đi sau tốc độ biến thể của virus, nếu xuất hiện biến thể virus mới, thì số lượng biến thể cuối cùng, độc tính của virus và khả năng lây truyền… đều trực tiếp quyết định mức độ nặng nhẹ của tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến nền kinh tế ở những mức độ khác nhau.

Giống như dịch bệnh vẫn tiếp tục tồn tại với các biến thể khác nhau, lạm phát đã kéo dài một năm và cũng sẽ không biến mất trong năm 2022. Tuy nhiên, vấn đề là lạm phát sẽ kéo dài bao lâu, liệu có tiếp tục diễn biến tiêu cực và khi nào sẽ đạt đỉnh?

Trang mạng Bloomberg News đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu vào cuối năm 2021, hầu hết các chuyên gia kinh tế được phỏng vấn cho rằng lạm phát sẽ giảm trong năm 2022.

Cụ thể, nửa đầu năm nay, vật giá có thể tăng nhẹ, nhưng sẽ giảm xuống đáng kể trong nửa cuối năm. Đến cuối năm giá tiêu dùng trên toàn cầu sẽ giảm xuống 2,6%, song vẫn cao hơn mức bình quân của 10 năm trước khi xảy ra dịch bệnh là 1,8%.

Mặc dù luôn có sự hoài nghi về những kết quả khảo sát như vậy, nhưng có thể khẳng định rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu trong một năm tới ít nhiều sẽ phát huy tác dụng kiềm chế đối với lạm phát, giúp lạm phát duy trì ở mức độ bão hòa. Nếu đúng như vậy, điều đó sẽ giúp cải thiện hoạt động và mở rộng chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.

Thắt chặt chính sách tiền tệ đã trở thành xu hướng chủ đạo của năm 2021. Tuy nhiên, một số nước cắt giảm quy mô mua trái phiếu vẫn chỉ là ứng dụng của công cụ định lượng. Mấu chốt của vấn đề là bên cạnh huy động công cụ định lượng, liệu có sử dụng công cụ giá và quan trọng nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khởi động việc tăng lãi suất hay không, cũng như tần suất và biện độ tăng lãi suất như thế nào?

Rõ ràng câu hỏi này không có đáp án chuẩn, nhưng có một điểm có thể khẳng định, Fed không thể đồng thời đưa ra công cụ lãi suất để thắt chặt chính sách tiền tệ trước khi chưa hoàn thành kế hoạch cắt giảm quy mô mua trái phiếu.

Do đó, việc tăng lãi suất có thể sẽ trì hoãn đến quý 2/2022, hơn nữa Fed vẫn cần quan sát diễn biến tình hình lạm phát.

Nếu đến thời điểm đó lạm phát vẫn chưa suy yếu thì Fed có thể kịp thời khởi động tăng lãi suất, nhưng nếu vật giá giảm hoặc mức độ tăng không lớn thì Fed chắc chắn sẽ lựa chọn phương án quan sát.

Như vậy, xuất phát từ cục diện lạm phát cao trước thấp sau trong một năm tới, số lần tăng lãi suất trong năm của Fed sẽ không quá nhiều.

Ngoài ra, khác với thời kỳ khủng hoảng tài chính, chính sách nới lỏng định lượng do Fed thực hiện tổng cộng kéo dài khoảng 6 năm, vòng nới lỏng định lượng này kể từ khi bắt đầu cho đến khi thu hẹp chỉ kéo dài hơn 2 năm, nhịp độ thu hẹp nhanh hơn nên cú sốc đối với thị trường có thể lớn hơn.

Sau khi cân nhắc đến khủng hoảng tài chính, không ít chi phí cơ hội phát sinh từ quá trình thắt chặt chính sách, dự kiến trước mỗi lần tăng lãi suất, Fed đều sẽ lựa chọn cách duy trì kết nối kịp thời với thị trường, biên độ tăng lãi suất cũng sẽ kiểm soát ở phạm vi 25 điểm cơ bản mỗi lần để giảm nhẹ cú sốc của việc thắt chặt chính sách gây nên đối với thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô.

Chính sách tài khóa đáng được mong đợi

Có thể nói chính sách tài khóa là động lực thay thế tốt nhất sau khi động lực của chính sách tiền tệ suy yếu trong năm nay, tăng thêm kỳ vọng cho sự phục hồi ổn định của kinh tế toàn cầu.

Các kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế của Chính quyền Tổng thống Joe Biden đặc biệt tập trung vào kế hoạch xây dựng cở hạ tầng.

Bên cạnh đầu tư 1.200 tỷ USD để cải tạo và nâng cấp hệ thống cầu đường, sân bay, đường thủy, giao thông công cộng, Mỹ còn khởi động chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu có tên gọi “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn.”

Chương trình này sẽ phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) bao gồm Nhật Bản cùng tài trợ vốn, đầu tư trên 10 dự án cơ sở hạ tầng lớn ở các nơi trên thế giới.

EU đã cam kết huy động 300 tỷ euro (340 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn cầu, tập trung vào các lĩnh vực như số hóa, sức khỏe, năng lượng, khí hậu… Anh cũng đưa ra “Sáng kiến sạch và xanh” trị giá 3 tỷ bảng Anh (4,1 tỷ USD), dự định giúp các nước đang phát triển thực hiện rộng rãi công nghệ xanh, tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng với phương thức bảo vệ môi trường.

Tổng dự toán ngân sách của EU năm tài khóa 2022 đạt 170,6 tỷ euro, Nhật Bản cũng tăng ngân sách bổ sung lớn nhất từ trước đến nay cho năm tài khóa 2022, hơn nữa đa số những khoản ngân sách tăng mới này đều sẽ dùng cho việc phục hồi kinh tế.

Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu năm 2022 ảnh 2Một cảng hàng hóa tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, là nền kinh tế mới nổi lớn nhất, Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ triển khai trước một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, rất có thể năm 2022 sẽ trở thành “năm xây dựng cơ sở hạ tầng” của Trung Quốc.

Chỉ cần đầu tư của các “ông lớn” chủ yếu của kinh tế toàn cầu như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc tăng tốc, kinh tế thế giới sẽ không mất động lực cơ bản của tăng trưởng.

Sự bình thường hóa của chuỗi sản xuất và cung ứng chắc chắn trở thành thước đo quan trọng để kiểm tra triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh chuỗi sản xuất của các nước tích cực tìm kiếm cách thức để khơi thông các mắt xích then chốt, tình trạng thiếu các sản phẩm trung gian mang tính toàn cầu như chip cũng đã vượt qua thời kỳ căng thẳng nhất.

Bloomberg dự báo chậm nhất đến nửa cuối năm 2022, có triển vọng phục hồi trạng thái ổn định cung ứng.

Ngoài ra, theo báo cáo đánh giá và dự báo thường niên về các nhà kinh doanh cảng container toàn cầu của Công ty tư vấn Drewry (Anh), năng lực khai thác các cảng container toàn cầu trong 5 năm tới sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 2,5%/năm. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu trong thời gian này sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 5%/năm.

Chu kỳ phục hồi, tăng trưởng của ngành vận tải biển là 2-3 năm, điều này cũng có nghĩa là vận tải biển toàn cầu có thể vẫn sẽ chịu hạn chế bởi các yếu tố như năng lực vận hành container, tàu và cảng căng thẳng. Tuy nhiên, ít nhất sẽ không xuất hiện tình trạng ùn tắc và mắc kẹt logistics hiếm thấy như năm 2021.

Vấn đề đáng chú ý nhất là Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI), đại diện cho mức giá vận tải biển toàn cầu đã bắt đầu liên tục giảm từ tháng 10/2021.

BDI đã nhích tăng trở lại dưới sự kích hoạt của biến thể Omicron, nhưng cuối cùng vẫn quay về quỹ đạo ổn định thấp, điều này phản ánh giai đoạn tồi tệ nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu đã qua đi.

Dưới tiền đề áp lực dần nới lỏng và các kênh vận chuyển ngày càng thông suốt, nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và nhu cầu hàng hóa sinh hoạt của người tiêu dùng sẽ mở rộng hơn, sự cộng hưởng giữa đầu tư và tiêu dùng chắc chắn sẽ bơm thêm động lực cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Đương nhiên, cũng phải tỉnh táo nhận thức rằng, rủi ro nợ của một số nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển triển đang gia tăng, có thể xuất hiện cục diện ngày càng nghiêm trọng.

So với các nước phát triển, nhiều nước đang phát triển không có năng lực tự quay vòng đảo nợ, nguyên nhân là mức độ tài trợ tín dụng không được như các nước phát triển, và vấn đề quan trọng hơn là chi phí trả nợ của các nước đang phát triển tăng lên đáng kể.

Trong tình hình Mỹ vẫn thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, xuất phát từ nhu cầu khống chế dịch bệnh và hồi phục nền kinh tế, các nước mới nổi đang lợi dụng thời cơ chi phí tài sản xuống thấp để tích hợp nhiều khoản nợ nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed cơ bản đã được xác định, lãi suất đồng USD đi lên chắc chắn sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ nần của các nước đang phát triển và thị trường mới nổi.

Các nước như Argentina, Venezuela và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là những nước chưa bao giờ thoát khỏi tình cảnh khó khăn về nợ.

Hiện nay, cộng thêm khoản nợ mới nên không loại trừ khả năng xuất hiện kịch bản vỡ nợ diện rộng trong bối cảnh năng lực trả nợ hạn chế.

Ngoài ra, việc Fed chuyển hướng chính sách tiền tệ cũng sẽ khiến cho dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi trước đó tháo chạy với quy mô lớn.

Bên cạnh tài sản của các thị trường mới nổi được định giá lại, sức ép tỷ giá lao dốc cũng sẽ gia tăng, làm trầm trọng hơn nữa rủi ro tái huy động vốn và trả nợ của những nước này.

Chừng nào các nền kinh tế mới nổi vẫn bị chèn ép và tác động do điều này, thì quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển sẽ còn gập ghềnh.

Nếu các nền kinh tế như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn tăng tốc đầu tư, kinh tế thế giới sẽ không mất động lực cơ bản của tăng trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.