Tìm kiếm hướng đi thúc đẩy thương mại Việt Nam-Bangladesh

Các doanh nghiệp Bangladesh bày tỏ sự quan tâm và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác nuôi trồng thủy hải sản, chế biến thực phẩm...

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh vừa chủ trì và phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh-Việt Nam tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại tại thành phố Chittagong của Bangladesh.

Mục đích của hội thảo là nhằm tăng cường xúc tiến thương mại giữa hai nước, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hai bên trong quá trình giao thương, góp phần nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại hai chiều thời gian tới.

Hội thảo có sự tham dự của ông Mahbubul Alam, Chủ tịch Phòng Thương mại-Công nghiệp Chittagong (CCCI), cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa đã nêu một số khó khăn, tồn tại đang cản trở thương mại hai nước.

[Doanh nghiệp Việt Nam-Bangladesh cần khởi xướng các ý tưởng sáng tạo]

Thứ nhất, việc xuất khẩu của hai nước hiện dựa chủ yếu vào một vài mặt hàng thế mạnh; đối với Việt Nam là clanhke, ximăng và gạo; còn đối với Bangladesh là dược phẩm. Do vậy, kim ngạch trao đổi thương mại còn chưa cao và chưa ổn định.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi vận chuyển hàng hóa tới cảng Chittagong, cảng lớn nhất tại Bangladesh, nơi trên 90% các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Bangladesh diễn ra, do năng lực xếp dỡ hàng hóa và điều kiện kho bãi tại cảng còn rất hạn chế và lạc hậu; tình trạng ách tắc hàng tại cảng diễn ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam do phát sinh nhiều chi phí.

Để khắc phục những khó khăn trên, Đại sứ Trần Văn Khoa đề nghị các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi thông tin về những lĩnh vực, mặt hàng thế mạnh của mỗi bên và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các mặt hàng thế mạnh tới người tiêu dùng của mỗi nước thông qua các hội chợ, triển lãm thương mại, qua đó đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, Đại sứ Trần Văn Khoa đề nghị CCCI hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao thương tại Chittagong, đặc biệt là hỗ trợ để đẩy nhanh việc thông quan tại cảng, nhằm hạn chế tối đa các chi phí phát sinh, đồng thời củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với các đối tác Bangladesh.

Về phần mình, Chủ tịch CCCI Mahbubul Alam đã kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư, thành lập các dự án liên doanh với các đối tác Bangladesh trong những lĩnh vực Chính phủ Bangladesh đang chú trọng thu hút đầu tư như công nghệ thông tin, viễn thông, chế biến nông sản, thủy sản…; đồng thời khẳng định cam kết của CCCI trong việc hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư, kinh doanh tại Chittagong.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Bangladesh đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài; những mặt hàng Bangladesh có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam; những trở ngại khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thuốc tân dược sản xuất tại Bangladesh sang Việt Nam chưa cao; việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản; kế hoạch mở đường bay thẳng giữa hai nước.

Các doanh nghiệp Bangladesh bày tỏ sự quan tâm và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác nuôi trồng thủy hải sản, chế biến thực phẩm, nhập khẩu máy móc, thiết bị nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng; thành lập các dự án liên doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, linh kiện điện tử…

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Bangladesh trong năm 2017 đã có bước phát triển đột phá, đạt 924 triệu USD, tăng 57% so với năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại hai chiều, đạt mức 869 triệu USD trong năm 2017; trong đó xuất siêu của Việt Nam sang Bangladesh đạt 813 triệu USD, tăng mạnh gần 70% so với năm 2016.

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Bangladesh trong năm 2017 tăng 7,4% so với năm 2016.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Bangladesh là clanhke và ximăng; gạo; xơ sợi dệt các loại; điện thoại các loại và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may và da giày.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Bangladesh là dược phẩm; xơ sợi dệt các loại; nguyên phụ liệu dệt may và da giày; thủy sản; nguyên phụ liệu thuốc lá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.