Tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam

Do nguồn cung của hầu hết các nước khác đều ở mức thấp, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để gia tăng thị phần xuất khẩu, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam ảnh 1Nông dân tại phường 1, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng thu hoạch tôm thẻ chân trắng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặt hàng tôm luôn giữ ngôi vị quán quân trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Tính đến hết tháng Tám, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đặt hàng tôm tăng tại thị trường Mỹ đã đẩy giá tôm tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam tăng lên trong nhiều tháng qua.

Phó Chủ tịch VASEP, ông Nguyễn Hữu Dũng, cho biết hội chứng tôm chết sớm (EMS) trên thế giới vẫn chưa có tín hiệu được kiểm soát tốt, nguồn cung tôm trên thị trường thế giới vẫn chậm được cải thiện; cùng với đó là việc Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá lên sản phẩm tôm Việt Nam quá cao và bất hợp lý vừa qua, đang gây những khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Do vậy, trong tình hình cân đối cung cầu của tôm trên thế giới đang thuận cho người nuôi và nhà chế biến xuất khẩu thì việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cơ hội cho các doanh nghiệp cần phải làm ngay.

Do có sự chuyển hướng thị trường nên xuất khẩu tôm sang các thị trường khác đều tăng trưởng vượt bậc trong năm nay. Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc tăng tới 115% so với cùng kỳ năm ngoái, là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ năm của Việt Nam, đồng thời Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Xứ sở Kim chi.

Đối với thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu tôm sang đây cũng tăng gần 100%. Đặc biệt tại thị trường Nhật Bản, xuất khẩu tôm sang đã có xu hướng tăng trưởng trở lại lên mức 5% sau nhiều tháng bị cản trở bởi rào cản kháng sinh.

Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã áp mức thuế chống bán phá giá lên sản phẩm tôm Việt Nam trong đợt xem xét hành chính lần thứ tám (POR 8) một cách quá cao và bất hợp lý. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã phải chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng 9,75% và mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, đây là mức thuế cao nhất trong lịch sử gần 10 năm Việt Nam xuất khẩu tôm qua Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá cao vô lý như vậy thiệt hại cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ. Nguồn cung tôm trên thế giới năm nay giảm nhiều do dịch bệnh nên việc tìm kiếm các thị trường khác để bù đắp sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, sản lượng tôm trong nước của Mỹ chủ yếu là khai thác từ các vùng vịnh, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Do đó, nguồn cung tôm cho tiêu dùng của Mỹ phụ thuộc lớn vào nhà nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn phải lấy nguồn cung ứng từ Việt Nam. Khi nguồn cung hạn chế cùng với mức thuế chống bán phá giá tăng cao, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng giá bán.

Theo ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm, thị trường tôm thế giới vẫn tiếp tục ở mức thấp. Các cường quốc sản xuất tôm như Mexico đang nhập khẩu nhiều tôm hơn xuất khẩu trong khi sản xuất của Thái Lan đến nay vẫn thấp hơn năm ngoái. Nguồn cung cấp của Ấn Độ cũng thấp hơn so với dự báo, chỉ có Ecuador có đang có sự gia tăng sản lượng. Do vậy, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ không ở mức quá khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để gia tăng thị phần xuất khẩu, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Với doanh nghiệp của mình, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản CAFATEX. cho biết ngoài thị trường lớn là Mỹ, doanh nghiệp vẫn tìm đường chuyển thị phần sang các thị trường khác. Với thị trường Mỹ, doanh nghiệp chỉ giữ lại cho các sản phẩm chế biến sâu và có giá trị gia tăng cao.

“Bên cạnh giải pháp tìm kiếm thị trường mở rộng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần quản lý chặt chẽ hơn chuỗi giá trị chuỗi cung ứng để chủ động ứng phó với thuế chống bán phá giá của DOC hàng năm cũng như kiểm soát tốt được chất lượng sản phẩm," ông Dũng nhấn mạnh.

Nắm lấy cơ hội thế giới đang thiếu nguồn cung tôm do dịch bệnh, Việt Nam đã nhanh chóng chủ động tăng diện tích nuôi. Theo Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nuôi tôm có chiều hướng thuận lợi, giá tôm chân trắng tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, nên diện tích thả nuôi tăng mạnh, nhất là tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong chín tháng, cả nước đạt 663.000 ha tôm nuôi, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm sú là 572.000ha (giảm gần 2%), tôm chân trắng là 91.000ha (tăng gần 92%). Tổng sản lượng tôm đạt 395.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Điển hình như Sóc Trăng, chưa có năm nào diện tích nuôi thủy sản của tỉnh lại tăng mạnh như năm nay. Tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60.000ha, trong đó tôm nuôi nước lợ đạt trên 42.000ha. Các vùng nuôi tôm nước lợ đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh ở các huyện Cù Lao Dung, Long Phú…

Có được kết quả trên, theo ông Võ Quang Huy là nhờ Việt Nam đã nhanh chóng có các giải pháp hữu hiệu trong việc khống chế dịch bệnh trên tôm, đặc biệt là Hội chứng tôm chết sớm nên ngành tôm Việt Nam đã có sự phục hồi nhanh hơn thế giới.

Ông Võ Quang Huy cho rằng, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nông dân còn có thói quen sử dụng kháng sinh trong việc phòng trừ dịch bệnh tôm. Các cửa hàng thuốc thú y, vật tư thủy sản được coi là “thầy lang” của người nuôi tôm. Hàng năm, các cơ quan chức năng địa phương vẫn tiến hành các cuộc kiểm tra, lấy mẫu... nhưng kết quả kiểm tra không được công bố nên tình trạng thuốc, vật tư kém chất lượng vẫn tồn tại. Điều quan trọng nữa là làm sao nâng dần ý thức người dân trong việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết Tổng cục Thủy sản và Cục Thú y đã và đang phối hợp khảo sát thành phần thức ăn tôm, tăng cường phổ biến tập huấn, kiểm tra giám sát vi phạm, tăng cường kiểm soát nguyên liệu đầu vào… Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với lực lượng thanh tra sở, tổ chức thanh tra trên diện rộng, đặc biệt là tình hình sử dụng và kinh doanh các chất mà thị trường nhập khẩu có giới hạn hàm lượng sử dụng; đồng thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân các quy trình nuôi để đảm bảo chất lượng tốt nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.