'Tìm những dự án sản xuất công nghệ cao hiệu quả thực sự rất khó'

Ông Hùng cho rằng, các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Bộ Nông nghiệp chưa rõ ràng, gây khó khăn cho ngân hàng xác định đối tượng thụ hưởng.
Chăn nuôi thỏ công nghệ cao tại Yên Bái để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy công nghệ sinh học chế dược phẩm từ thỏ tại Quế Võ, Bắc Ninh. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao từ hồi đầu năm 2017 được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc họp với các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn để bàn về việc triển khai chương trình nhưng đến nay con số cho vay ra vẫn còn rất khiêm tốn.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước để hiểu rõ hơn về quá trình triển khai của chương trình này.

- Xin ông cho biết một số kết quả cho vay nông nghiệp công nghệ cao đến thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Tính đến cuối tháng Năm, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt hơn 38.700 tỷ đồng, với hơn 18.000 khách hàng đang có dư nợ (hơn 17.800 khách hàng cá nhân và 272 khách hàng doanh nghiệp).

[100.000 tỷ đồng vốn công nghệ cao: ‘Đóng băng’ dưới tầng lớp quy định]

Nguồn vốn này chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 89%; cho vay kỳ hạn dài chiếm khoảng 55% dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với thực tế đầu tư lĩnh vực này cần vốn lớn và đầu tư dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.

- Có vẻ như tốc độ cho vay vẫn diễn ra chậm thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Đúng là như vậy, hiện nay nguồn tín dụng cho vay công nghệ cao luôn sẵn sàng nhưng lại chưa có nhiều dự án phù hợp để cho vay.

Những dự án lớn, làm ăn hiệu quả như TH True milk, Vinamilk, Công ty trứng gà sạch Ba Huân... hoặc một số hộ trồng hoa ở Lâm Đồng ngân hàng muốn cho những doanh nghiệp này vay nhưng họ lại không có nhu cầu nhiều về vốn ngân hàng mà chủ yếu dùng vốn tự có của mình.

Cũng có một số công ty chuyên về chăn nuôi như bò, lợn... đến đặt vấn đề với ngân hàng cho vay nhưng phương án đầu tư chăn nuôi theo hình thức ứng dụng công nghệ cao nhưng đầu ra sản phẩm lại không theo con đường chính ngạch mà lại là tiểu ngạch khá bấp bênh nên ngân hàng không dám mạo hiểm cho vay. Nếu như xuất khẩu sang các nước châu Âu, nước Mỹ hay Nhật Bản thì ngân hàng hoàn toàn yên tâm và sẵn sàng cho vay.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát đánh giá dự án đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp xem tiến độ triển khai đến đâu, hiệu quả như thế nào. Nếu hiệu quả thì tiếp tục được cho vay. Ứng dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất lao động hiệu quả cao chẳng có lý gì ngân hàng không đầu tư. Bản thân các ngân hàng rất muốn tìm những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để cho vay. Nhưng giờ tìm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả quả thực là rất khó. Nhất là những dự án mới càng phải thận trọng.

Vấn đề ở đây là ngân hàng và doanh nghiệp cùng đồng hành, chia sẻ. Đồng vốn ngân hàng cho vay ra phải thu về cả gốc và lãi tiếp tục quay vòng vốn cho vay, cũng như sản phẩm doanh nghiệp làm ra phải tiêu thụ được mới đảm bảo có lợi nhuận bù đắp đủ chi phí để tiếp tục đầu tư tái sản xuất.


- Điều đó chứng tỏ vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình này đúng không thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Đúng là còn nhiều vướng mắc như: Số lượng các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Cả nước hiện mới có 40 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 3 khu, 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa rõ ràng, không phù hợp, gây khó khăn cho ngân hàng xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.

Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất, trả nợ vay khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định dẫn đến chưa đảm bảo khả năng hoàn vốn vay ngân hàng.

Đặc biệt, người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm thế chấp vay vốn ngân hàng mặc dù tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT đã giao cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh triển khai thực hiện.

- Vậy ông có kiến nghị gì với các Bộ ngành để chương trình này được triển khai nhanh và hiệu quả hơn không?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ sớm hoàn tất thủ tục để ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó có một số quy định giúp tăng khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần báo cáo đánh giá tình hình triển khai Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đó có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn về cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp cho người dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để người dân có thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục