Trong thời gian qua, bám sát các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, ngành thương mại thành phố và hệ thống bán lẻ đã căng mình linh hoạt đa dạng kịch bản đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm đến người dân.
Vượt qua những thách thức trong khâu vận hành, điều phối... đến nay hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản ổn định và có những tín hiệu tích cực đảm bảo ứng phó với dịch bệnh, giữ vững phòng tuyến phục vụ hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Tăng biện pháp phòng vệ chuỗi cung ứng
Ghi nhận thực tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, qua nhiều đợt tiêm vaccine COVID-19, người lao động làm việc trong lĩnh vực thương mại đều được phân bổ và nằm trong danh sách ưu tiên.
Tính đến nay, người lao động làm việc tại nhiều hệ thống bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Satra, Saigon Co.op, Lotte Mart... đã thực hiện tiêm vaccine COVID-19 mũi đầu tiên.
[Thành phố Hồ Chí Minh linh động điều phối nhu yếu phẩm đến phường, xã]
Theo bà Phạm Thi Vân, Trưởng Ban quản lý hệ thống bán lẻ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Satra), hầu hết nhân viên của hệ thống bán lẻ Satra đều đã được tiêm vaccine COVID-19 mũi đầu tiên. Do đó, người lao động tại hệ thống bán lẻ Satra an tâm làm việc và phục vụ khách hàng mua sắm tại hệ thống.
Ngoài ra, hệ thống bán lẻ Satra không chủ quan, mà luôn đề cao cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại hệ thống.
Điển hình, Satramart siêu thị Sài Gòn và Satramart siêu thị Phạm Hùng đều được trang bị buồng khử khuẩn để khách hàng khử khuẩn trước khi vào siêu thị mua sắm.
Còn khách đến mua hàng ở hệ thống bán lẻ Satra đều phải tuân thủ biện pháp phòng chống dịch, gồm: đeo khẩu trang, khai báo y tế, quy định 5K của Bộ Y tế…
Một số nhà bán lẻ khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin việc vận chuyển, tập kết hàng hóa từ nhiều tỉnh, thành về Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước được khai thông thuận lợi hơn so với khi mới bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, nên lượng hàng về mạng lưới điểm bán đang ổn định và bắt đầu có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, nguồn lao động phục vụ hoạt động thương mại và tổ chức khách hàng giãn cách mua sắm tại điểm bán lẻ đã và đang đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Vấn đề khó khăn hiện chủ yếu là khâu phân phối hàng hóa từ siêu thị đến tay người dân, nhất là đơn hàng online.
Do quy định mới của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh về giãn cách xã hội nên hàng loạt shipper (người giao hàng) tắt ứng dụng không nhận đơn vận chuyển, dẫn đến việc giao hàng của nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh... gặp nhiều thách thức.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là vừa mới đây, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho tài xế tham gia các ứng dụng công nghệ gọi xe như Gojek, Grab...
Hoạt động tiêm vaccine COVID-19 lần này được triển khai theo chủ trương chung của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh về đẩy nhanh quá trình tiêm chủng cho mạng lưới shipper.
Đại diện Gojek Việt Nam cho hay riêng trong đợt tiêm vaccine COVID-19 lần thứ 5 của Thành phố Hồ Chí Minh, tại hai điểm tiêm tập trung ở quận 11, đã có gần 200 đối tác tài xế Gojek được tiêm vaccine COVID-19.
Trước đó, một số đối tác tài xế Gojek đã được tiêm chủng theo các chương trình dành cho người dân tại địa phương, nơi cư trú.
Theo đại diện Gojek Việt Nam, hiện đơn vị này đang tiếp tục lên danh sách đối tác tài xế khác của Gojek cho những đợt tiêm chủng tiếp theo của Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đối tác tài xế chưa nhận được thông tin tiêm trong đợt đầu tiên có thể tham gia đợt đăng ký sau theo Gojek hoặc có thể đăng ký trực tiếp với địa phương nơi đang sinh sống để được tiêm chủng sớm nhất theo chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá cao chủ trương của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 đợt 5 có phân bổ cho doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm.
Trong bối cảnh thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh "3 tại chỗ," doanh nghiệp rất cần được chính quyền thành phố hỗ trợ sớm tiêm vaccine COVID-19, để người lao động an tâm, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
Nguồn cung nông sản, thực phẩm dồi dào
Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nguồn cung hàng hóa từ nhiều địa phương có khả năng cung ứng về thị trường Thành phố Hồ Chí Minh rất dồi dào trong những ngày đầu tháng 8/2021.
Đồng thời, dự báo trong thời gian tới nguồn cung hàng hóa nhập vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng hơn hoặc duy trì ở mức ổn định như hiện nay khi nhiều tỉnh, thành đang vào mùa thu hoạch chính vụ nông sản, đặc sản.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay đơn vị này liên tục nhận được thông tin từ những đầu mối cung ứng hàng hóa ở các tỉnh, thành sẽ chủ động đưa hàng về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Vì vậy, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện để triển khai giải pháp khơi thông khâu phân phối hàng hóa đến tay người dân và giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các địa phương nhập về Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện tại, mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang tạm ngưng hoạt động, kênh phân phối hiện đại cũng gặp khó khăn trong khâu giao nhận đơn hàng online, vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng.
Điều này đã dẫn đến tình trạng hàng hóa nhiều nhưng nơi thừa-nơi thiếu; người dân tại một số khu vực gặp khó khi mua sắm lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu...
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với chính quyền địa phương tận dụng hệ thống bán lẻ sẵn có tại địa phương để cung ứng hàng hóa thiết yếu, mở điểm bán lưu động, phát phiếu đi chợ...
Đặc biệt, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện phối hợp với nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp... cân đối nguồn cung hàng hóa, năng lực cung ứng của điểm bán trên địa bàn khu dân cư, tránh việc người dân đến nơi mua sắm không còn hàng.
Riêng đối với cơ sở sản xuất một số mặt hàng như bánh mỳ, bún, đậu hũ... đảm bảo quy định phòng chống dịch COVID-19 nhưng lại chung "số phận" tạm đóng cửa như những đơn vị kinh doanh khác, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lương thực thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức, lãnh đạo thành phố cũng cho biết, không có quy định nào cấm sản xuất những mặt hàng này trong thời gian giãn cách xã hội.
Do đó, Hội Lương thực thực phẩm cần hỗ trợ đơn vị sản xuất kinh doanh những mặt hàng thiết yếu làm việc với chính quyền địa phương và sở, ngành về tổ chức hoạt động, sản xuất, lưu thông... để phục vụ nhu cầu người dân.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhấn mạnh không chỉ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, mà trên cơ sở kiến nghị quyết liệt của các hiệp hội ngành hàng cả nước và doanh nghiệp, vấn đề lưu thông hàng hóa đã được Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền nhiều địa phương tháo gỡ và điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, vấn đề chưa đồng bộ trên địa bàn khu vực phía Nam hay ngay cả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại, một phần là do nhiều chốt kiểm soát là lực lượng tăng cường nên trong việc triển khai có những giới hạn về chuyên môn nhất định nên nhiều địa phương đang phối hợp liên ngành khắc phục./.