Tín ngưỡng thờ Mẫu - Điểm hẹn tâm linh của người Việt

Chương trình “Tín ngưỡng thờ Mẫu - Điểm hẹn tâm linh của người Việt” giúp công chúng tìm hiểu về nghi lễ chầu văn (hầu đồng) và những bộ trang phục của các thanh đồng khi thực hành nghi lễ.
Đồng thầy Nguyễn Đức Hiển hầu giá Quan Hoàng Mười.

Nhân kỷ niệm 2 năm Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đêm ngày 23/8 tại hà Nội đã diễn ra chương trình “Tín ngưỡng thờ Mẫu - Điểm hẹn tâm linh của người Việt.”

Chương trình đưa công chúng tiếp cận với nghi thức hầu đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đồng thời giới thiệu những bộ lễ phục đặc sắc của các thanh đồng trong nghi lễ hầu đồng.

Mở hòm khăn chầu, áo ngự

Hệ thống điện thần đạo Mẫu bao gồm: Ngọc Hoàng, Phật Bà Quan Âm, Tam tòa Thánh Mẫu, Quan lớn (từ 5-10 vị), Chầu bà (từ 4-12 chầu bà), Ông Hoàng (từ 5-10 vị), Vương cô (12 vị), Vương cậu (12 vị), Ngũ hổ và Ông lốt (rắn). Sự khác nhau về số lượng các vị thánh trong từng hàng (quan, chầu, ông hoàng, cô, cậu) do tồn tại những khác biệt trong quan niệm ở các vùng miền khác nhau..., Giáo sư-tiến sỹ khoa học Ngô Đức Thịnh (Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam) có mặt tại chương trình cho biết.

[Hình ảnh lộng lẫy của khăn chầu áo ngự trong Tín ngưỡng thờ Mẫu]

Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước). Đứng đầu mỗi phủ là một vị thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên (Mẫu đệ nhất) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp...; Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu đệ nhị) trông coi miền rừng núi, địa bàn sinh sống chính của nhiều dân tộc thiểu số và Mẫu Thoải (Mẫu đệ tam) trông coi các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.

Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cho hay, những người thực hành tín ngưỡng tin rằng, nghi lễ chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh. Lúc này, các thanh đồng đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.

Trang phục của các thanh đồng khi thực hành nghi lễ này được gọi là khăn chầu, áo ngự. Về nguyên tắc, mỗi giá đồng thờ một vị thần linh đều có trang phục riêng.

Trang phục của các thanh đồng khi thực hành nghi lễ này được gọi là khăn chầu, áo ngự. Về nguyên tắc, mỗi giá đồng thờ một vị thần linh đều có trang phục riêng. Những trang phục cơ bản của buổi hầu đồng bao gồm: khăn phủ diện màu đỏ (dùng chung cho tất cả các giá đồng), các loại áo dài (ít nhất là năm cái có năm màu sắc khác nhau, dùng riêng cho từng hàng thánh), các loại mũ khăn, thắt lưng, đai, thẻ ngà, vòng…

[Các tiêu chí để UNESCO vinh danh tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ]

Với các Thánh nam (từ hàng Quan đến hàng Ông Hoàng, hàng Cậu), thanh đồng có những phục trang phục riêng (tùy theo vị Thánh đó thuộc hàng quan văn hay quan võ, độ tuổi và tính cách của vị Thánh…). Trong đó, áo là trang phục chính, thường có chất liệu gấm, thêu hình tứ linh, gắn hạt cườm, hạt xoàn lóng lánh.

Ngoài ra, với giá hầu các Quan và Ông Hoàng, thanh đồng còn có khăn xếp đội đầu, các dải khăn (thêu hình rồng chầu Mặt Trời hay Mặt Trăng) bịt ra ngoài khăn xếp và dây đai thêu hình rồng. Bên cạnh đó, thanh đồng còn có thẻ bài bằng ngà (kim loại) để cài ngực cho các Quan, chiếc khánh bằng kim loại thếp vàng dùng cho các ông Hoàng, các Cậu.

Đối với các giá hầu Thánh nữ (từ hàng Chầu tới hang Cô), trang phục phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, bộ áo dài vẫn là trang phục chính (với màu sắc, kiểu dáng khác nhau phù hợp với từng phủ, từng hang). Ngoài ra, thanh đồng còn có các loại khăn, dải khăn quấn đầu, dây lưng, các loại khăn quàng cổ, quạt lông nhiều màu sắc, đồ trang sức…

Đẩy mạnh phổ biến kiến thức khoa học về di sản

Theo ông Ngô Đức Thịnh, hầu đồng là nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Thông qua nghi lễ này, con người gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình.

Trong chương trình “Tín ngưỡng thờ Mẫu - Điểm hẹn tâm linh của người Việt,” các nghệ nhân dân gian, thanh đồng đã trình diễn sáu giá đồng: Quan Đệ ngũ, Chầu Đệ Nhị, ông Hoàng Mười, Cô Ba, Cô bé Thượng Ngàn và Cậu bé Bản Đền.

Đồng thầy Nguyễn Đức Hiển trong giá hầu Quan Hoàng Mười.

Đồng thầy Nguyễn Đức Hiển, người có nhiều năm theo đuổi việc truyền bá văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu chia sẻ: Trong suốt một thời gian dài, hầu đồng từng bị cấm đoán khá nặng nề ở Việt Nam do không được hiểu đúng bản chất. Dư luận nhìn nghi lễ này qua bức màn huyền bí với thái độ đầy nghi hoặc do những biến tướng xấu, theo hướng mê tín dị đoan nảy sinh trong quá trình thực hành... Nhưng dần dà, với sự nỗ lực của các thanh đồng, của các nhà văn hóa nghi lễ này đã được hiểu đúng và trả về Chân giá trị ban đầu mà điển hình là việc  ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo đồng thầy Nguyễn Đức Hiển, nghi lễ chầu văn (hầu đồng) thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh (lời ca trau chuốt) với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm; từ đó, đưa con người vào trạng thái ngây ngất.

Hầu dâng và cung văn là những người trực tiếp giúp thanh đồng trong các buổi hầu đồng. Hai (hoặc bốn) người hầu dâng ngồi hai bên thanh đồng trước bàn thờ Thánh, giúp các thanh đồng việc thắp hương, dâng lễ vật, thay trang phục khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…

Trong hầu đồng, cung văn giữ vai trò quan trọng: xướng nhạc và hát trong khi các thanh đồng trình diễn. Nhạc cụ chủ đạo của cung văn là đàn nguyệt; bên cạnh đó còn có trống bang, cảnh đồng, phách, thanh la…

Ở góc độ khác, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, trên thực tế, tín ngưỡng thờ Mẫu chưa thực sự thoát khỏi tình trạng lệch chuẩn. Ông cho rằng, một bộ phận thanh đồng thiếu những hiểu biết chuẩn về hệ thống giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu. “Thay vào đó, họ mải miết lên đồng với những sáng tạo lệch lạc như tự ý thay đổi trang phục, cách thức hát chầu văn... Còn với công chúng, hầu đồng (chứ không phải là những kiến thức chuẩn về tín ngưỡng thờ Mẫu) mới là thứ khiến họ tò mò nhất,” ông Thinh nói.

Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, các cơ quan quản lý văn hóa, nhà chuyên môn cần đẩy mạnh, mở rộng chương trình phổ biến kiến thức về đạo Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng để cộng đồng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, người dân sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản một cách đúng đắn.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên vừa ký văn bản số 618/BVHTTDL-DSVH gửi các Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chấn chỉnh hoạt động Hầu đồng trong thực hành di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu chỉ tổ chức hầu đồng ở những nới có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố.

Ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hình thành và phát triển trên nền tảng tín ngưỡng thờ nữ thần. Đây là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền (trời, sông nước, rừng núi), coi tự nhiên là một người Mẹ và tôn thờ.

Giá hầu Cô bé Thượng Ngàn.

Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng này có những biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, tín ngưỡng này vẫn luôn hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng về sức khỏe, tài lộc, may mắn.

Điều này tạo nên sự khác biệt của đạo Mẫu. Trong khi nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác hướng đến việc cầu mong cuộc sống an nhàn ở hiện tại, sự siêu thoát sau khi chết hoặc sự phù hộ của linh hồn người đã khuất với người còn sống thì đạo Mẫu hướng đến cuộc sống hiện tại với nhu cầu thực tế, đời thường: Phúc-Lộc-Thọ.

Không chỉ có vậy, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cũng thể hiện rất rõ truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước được tâm linh hóa, ý thức về sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ bình đẳng, gắn bó giữa các dân tộc. Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (trong khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão…) và các Thánh Mẫu có nguồn gốc không chỉ là người Kinh mà còn thuộc các dân tộc thiểu số như người Tày, Nùng…./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục