Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh phát triển chuỗi đô thị du lịch biển

Xác định du lịch là 1 trong 5 trụ cột kinh tế quan trọng, Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng phát triển trục động lực kinh tế du lịch tại khu vực ven biển phía Đông Nam với chuỗi 7 đô thị du lịch biển.

Khu phức hợp đô thị, vui chơi giải trí cặp trục đường ven biển DT 994 kết nối từ Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Phước Thuận, Bình Thuận. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)
Khu phức hợp đô thị, vui chơi giải trí cặp trục đường ven biển DT 994 kết nối từ Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Phước Thuận, Bình Thuận. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Khí hậu ôn hòa và nắng ấm quanh năm, có biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, phong phú, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch khá đồng bộ là lợi thế của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu.

Song, để tạo sự mới mẻ thu hút khách du lịch, tỉnh đã và đang hướng tới việc nâng "chất" thương hiệu, tăng trải nghiệm cho du khách.

Đánh thức tiềm năng, lợi thế

Trong quy hoạch giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu xác định du lịch là một trong năm trụ cột kinh tế quan trọng; quy hoạch định hướng phát triển trục động lực kinh tế du lịch tại khu vực ven biển phía Đông Nam với chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu và Khu Du lịch Quốc gia Côn Đảo.

Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, đồng bộ cả về chất lượng và số lượng với 1.490 cơ sở lưu trú (30.623 phòng), trong đó gần 900 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao (8.522 phòng); 45 đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế đang hoạt động.

Các công trình dịch vụ đẳng cấp, thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước đã hình thành và phát triển như The Grand-Ho Tram strip, Six senses Côn Đảo, The Imperial, Pullman, Marina Bay resort, Malibu, Melia at the Hampton…

Hạ tầng giao thông kết nối ngày càng được cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch.

do-thi-bien-br-vt2-5940.jpg
Các khu du lịch và khu dự án đô thị biển cặp đường ven biển DT 994 kết nối trục du lịch biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động Kinh tế Số, tri thức số, dữ liệu số; sử dụng nền tảng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động và tối ưu trong quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung quảng bá trên các phương tiện thông tin trong nước và quốc tế.

Địa bàn tỉnh đã và đang hình thành các khu du lịch chất lượng cao, tầm vóc quốc tế.

Bên cạnh đó, địa phương đã và đang tập trung xây dựng môi trường du lịch an toàn, chất lượng.Tiêu biểu như thành phố Vũng Tàu đã hai lần liên tiếp được vinh danh là "Thành phố du lịch sạch ASEAN."

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu cho biết thành phố thực hiện quy hoạch gắn với quy hoạch chung của tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ.

Thành phố đang thực hiện điều chỉnh và triển khai các phân khu, quy hoạch chi tiết; cùng tỉnh đầu tư nâng cao chất lượng các bãi tắm biển, tiếp tục xây dựng bãi tắm kiểu mẫu và tổ chức nhiều sự kiện du lịch, thể thao gắn với biển, đặc biệt là khu vực Bãi Sau.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục khai thác và phát triển tiềm năng du lịch của địa phương, nỗ lực đưa Vũng Tàu thành điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Xứng tầm đô thị du lịch biển

Bà Rịa-Vũng Tàu có chuỗi 3 đô thị ven biển đang giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội gồm thành phố Vũng Tàu, thị trấn Long Hải và thị trấn Phước Hải.

Ngoài ra, địa phương còn có Côn Đảo là vùng đô thị biển. Hiện nay, tỉnh đang lập 3 quy hoạch đô thị biển là Hồ Tràm, Bình Châu và Lộc An. Như vậy, dự kiến đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 7 đô thị biển.

do-thi-bien-br-vt3-9984.jpg
Trục đô thị biển Phước Tỉnh, Long Hải, Phước Hải, Lộc An. (Ảnh: TTXVN phát)

Tỉnh đang đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trục chính trên địa bàn, nhất là tuyến đường DT 994 (kết nối từ thị xã Phú Mỹ tới xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) tạo thuận lợi cho du khách.

Dự kiến đến năm 2030, hệ thống giao thông trong tỉnh sẽ hoàn chỉnh, kết nối bốn khu đô thị vệ tinh xung quanh các dự án du lịch ven biển.

Với tính chất đô thị chuyên ngành, đô thị duyên hải, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú như biển, núi, rừng gắn với Di tích lịch sử căn cứ núi Minh Đạm, di tích lịch sử văn hóa và nhiều danh thắng; thiên nhiên ưu đãi và khí hậu trong lành.

Thị trấn Long Hải hiện có 10 dự án đầu tư về du lịch đang hoạt động và triển khai tốt với hạng trung bình 3-4 sao, tổng diện tích khoảng 43,55ha.

Ông Huỳnh Sơn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Long Điền, cho biết ngày 20/11/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về "xây dựng và phát triển đô thị Long Hải giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" với mục tiêu phấn đấu xây dựng và phát triển đô thị Long Hải đạt chất lượng đô thị loại IV vào năm 2025 làm cơ sở hình thành đô thị loại III và hướng tới xây dựng đô thị du lịch, góp phần để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện vào năm 2030.

"Việc đạt chuẩn đô thị loại IV sẽ giúp cho huyện Long Điền nói chung, thị trấn Long Hải nói riêng thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư và giúp cho thị trấn trở thành trung tâm du lịch ven biển có chất lượng cao, sự kết hợp dịch vụ thương mại, văn hóa, thể thao của các khu vực đặc biệt là khu vực phía Nam và cả nước trong tương lai," ông Huỳnh Sơn Tuấn kỳ vọng.

do-thi-bien-br-vt4-8994.jpg
Các tổ hợp dịch vụ, nghĩ dưỡng, vui chơi giải trí tại khu vực Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Để đạt được mục tiêu này, song song với đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, huyện Long Điền tiếp tục triển khai các giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu, định vị thương hiệu, xúc tiến quảng bá. Bên cạnh đó, huyện mở rộng đô thị Long Hải, nghiên cứu không gian phát triển thương mại dịch vụ.

Đầu tư vào Palace Long Hải Resort, bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Palace Long Hải Resort cho rằng so với các vùng du lịch khác trên toàn tỉnh, dải bờ biển Long Hải vẫn còn đậm nét tự nhiên.

Trong giai đoạn đầu, Palace Long Hải Resort tập trung cải tạo cơ sở vật chất, giữ chất lượng dịch vụ theo chuẩn 4 sao; đồng thời, tôn tạo cảnh quan, trồng thêm mảng xanh, tô điểm không gian resort luôn rợp bóng cây.

Khi diễn biến thị trường lạc quan hơn, đơn vị sẽ khởi động đầu tư khu khách sạn 7 tầng, phục dựng cải tạo lầu Chú Hỏa thành điểm check in, kết hợp nhà hàng, cà phê, bar ngắm hoàng hôn; xây dựng khu shophouse để tạo ra khu phức hợp nghỉ dưỡng cung cấp đa trải nghiệm cho du khách đến Long Hải.

Năm 2023, ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nỗ lực hỗ trợ và tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển các sản phẩm sẵn có và sản phẩm mới để thúc đẩy du lịch tỉnh tăng trưởng, hướng đến kết quả đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết, kế hoạch giao năm 2023.

Đến tháng 11/2023, tổng lượt khách đến tỉnh ước đạt gần 14 triệu lượt người (đạt 99,71% kế hoạch năm, tăng gần 22% so cùng kỳ năm 2022). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 14.600 tỷ đồng (đạt 102,87% kế hoạch năm, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022).

Mặc dù kết quả tăng trưởng khả quan, song du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu chưa có sản phẩm mới và đa dạng; công tác thúc đẩy hình thành các sản phẩm du lịch mới phục vụ khách du lịch còn chậm; doanh thu du lịch vẫn đang dựa trên việc khai thác lợi thế biển, với các hoạt động chính là tắm biển, ăn uống và lưu trú...

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tỉnh là một trong những địa phương kịp thời trong công tác lập quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị biển.

Tuy nhiên, các khu du lịch ven biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu chưa sống động, thiếu tiện ích du lịch và thiếu gắn kết cộng đồng. Người dân địa phương ít được thụ hưởng từ phát triển du lịch và ít được tham gia vào dịch vụ.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2024, tại các địa bàn như Xuyên Mộc, Vũng Tàu, Bà Rịa, Côn Đảo hình thành tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm gắn với các sản phẩm, dịch vụ, điều kiện đặc trưng của các địa phương; tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện kế hoạch ít nhất một đêm.

do-thi-bien-br-vt5-9993.jpg
Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển Long Hải đạt chất lượng đô thị loại IV vào năm 2025 làm cơ sở hình thành đô thị loại III và hướng tới xây dựng đô thị du lịch. (Ảnh: TTXVN phát)

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả địa phương trên địa bàn đều có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Xuyên Mộc, Vũng Tàu; phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách tập trung đông; hình thành và phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của tỉnh.

Một trong những trụ cột phát triển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là lĩnh vực du lịch và đô thị.

Việc phát triển chuỗi đô thị du lịch biển theo mô hình xanh, bền vững, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo môi trường sống an toàn, trong lành, đáng sống, hấp dẫn du khách.

Phát triển các chuỗi dịch vụ phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại và đẳng cấp góp phần không nhỏ đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục