Góp phần chung sức phát triển du lịch Việt Nam, vượt qua khó khăn để phục hồi ngành du lịch trong tình hình mới, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chương trình kết nối, phục hồi du lịch nội địa, phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn; đồng thời tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm thu hút du khách đến tỉnh.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, năm 2021 có hơn 5 tháng hoạt động du lịch trên địa bàn gần như “đóng băng.” Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động.
Các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch trong năm 2021 đều sụt giảm nghiêm trọng, trong đó, lượt khách chỉ đạt 21,3% kế hoạch năm, giảm 55,9% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu du lịch đạt khoảng 59,52% kế hoạch năm, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án Phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Ngành Du lịch Bình Dương phấn đấu đến năm 2030, tổng lượng khách du lịch đạt 8,1 triệu lượt; trong đó khách quốc tế đạt 480.000 lượt, khách nội địa đạt 7.620 lượt; doanh thu du lịch đạt mức 3.700 tỷ đồng.
[Du lịch Kiên Giang sẵn sàng đón du khách trở lại sau khi mở cửa]
Để đạt được mục tiêu trên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp tập trung triển khai các nhiệm vụ của ngành.
Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như Phương Nam Resort, du lịch xanh Dìn Ký, du lịch Thủy Châu, du lịch Hồ Nam… đều xây dựng các chương trình hoạt động riêng để phục vụ du khách.
Các điểm tham quan như Vườn An Điền, phim trường Cối xay gió-The Windmill (thị xã Bến Cát), Vũ Garden (thành phố Thuận An)… được mở cửa phục vụ khách du lịch. Nhờ vậy, trong dịp Tết Nguyên đán 2022 (từ ngày 31/1 đến 6/2), các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã phục vụ khoảng 52.400 lượt khách, tổng doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết thực hiện tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” Sở đã hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong tỉnh mở cửa hoạt động trở lại, từng bước phục hồi ngành du lịch.
Đồng thời, Sở tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút khách đến với Bình Dương; đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: tham quan, trải nghiệm, mua sắm ở các làng nghề thủ công truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh.
Tỉnh đang tập trung khai thác, phát triển hai sản phẩm du lịch mới là du lịch đường sông, giải trí, ăn uống, thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn và du lịch công nghiệp nhằm thu hút du khách trong tỉnh, khu vực lân cận trong thời gian tới.
Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh phối hợp với Phòng Quản lý du lịch của Sở và Hiệp hội Du lịch tỉnh nghiên cứu xây dựng, hình thành một sản phẩm du lịch chung nhằm quảng bá, giới thiệu đến các doanh nghiệp lữ hành tham gia khai thác.
Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh việc xúc tiến thông tin du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia quảng bá thông tin cũng như tìm kiếm thông tin thuận lợi khi có nhu cầu.
Tỉnh đang tổ chức chương trình Caravan Famtrip 2022 “Hành trình về miền quốc bảo sâm Ngọc Linh Kon Tum K5.” Chương trình được tổ chức nhằm khảo sát, giao lưu và kết nối các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đến với vùng đất Tây Nguyên; với sự tham gia của khoảng 150 khách mời là lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội du lịch tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành từ Khánh Hòa đến Cà Mau.
Tham gia chương trình, các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, giới thiệu sản phẩm du lịch của đơn vị; góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của Bình Dương đến với các tỉnh, thành khác./.