Kinh tế ban đêm dù đã hình thành tại tỉnh Cà Mau từ nhiều năm qua nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, mang tính chất tự phát. Trong khi đó, các hoạt động du lịch về đêm tại thành phố Cà Mau vẫn còn nhiều bất cập.
Thực trạng rõ nhất là hầu hết các du khách khi đến tham quan các điểm du lịch trong tỉnh sẽ về nghỉ đêm tại thành phố Cà Mau. Tuy nhiên, tại đây vẫn chưa có địa điểm tham quan du lịch về đêm, các hoạt động vui chơi, giải trí rất hạn chế.
Phân tích về vấn đề này, theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, bên cạnh việc chưa có nhiều sản phẩm du lịch, du lịch của tỉnh còn hạn chế bởi các quy định hiện hành, đa số các điểm tham quan chỉ hoạt động đến 18 giờ, chưa tạo được nét riêng để thu hút và giữ chân du khách. Cùng đó, các hoạt động về đêm của tỉnh vẫn chưa có quy hoạch, đầu tư bài bản.
Nhiều du khách khi đến với Cà Mau chia sẻ bên cạnh yếu tố cảnh quan riêng có thì việc phát triển đa dạng các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thu hút và giữ chân du khách, đồng thời doanh thu từ các hoạt động này cũng vì thế sẽ tăng cao.
[Phát triển kinh tế ban đêm tại Quảng Ninh - Xu thế tất yếu]
Tỉnh Cà Mau nhận thấy tiềm lực phát triển kinh tế ban đêm của địa phương là rất lớn nên đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và phê duyệt tại Quyết định số 1308/QĐ-UBND ngày 09/5/2022.
Mục tiêu của Đề án nhằm khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, quảng bá hình ảnh, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh; phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của vùng Đất Mũi.
Đề án góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân và du khách. Qua đó, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết việc xây dựng, ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm là phù hợp với xu hướng phát triển chung của cả nước và quốc tế nhằm góp phần tận dụng tối đa không gian, thời gian, tạo thêm cơ hội và động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là khách du lịch.
"Nếu thực hiện thành công, Đề án không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh mà còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó là thúc đẩy phát triển, sử dụng các loại hình, dịch vụ công cộng, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất; tạo thêm nhiều ngành nghề kinh doanh mới, nhiều sản phẩm du lịch và nhiều loại hình dịch vụ mới. Đề án cũng góp phần kích thích tiêu dùng nội địa; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Cà Mau; thu hút, giữ chân khách du lịch khi đến tỉnh; quảng bá tiềm năng du lịch, giá trị văn hóa và hình ảnh của tỉnh Cà Mau đến bạn bè trong nước và quốc tế" - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi phân tích.
Theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau không thuộc 10 tỉnh/thành phố, trung tâm lớn được thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Do đó, trước mắt, địa phương sẽ thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm diễn ra từ 18 giờ đến 24 giờ tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn, có điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý.
Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá, triển khai nghiên cứu phát triển kinh tế ban đêm tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời; thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển và các khu vực khác trên địa bàn các huyện./.