Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chiến lược được ưu tiên trong các kế hoạch thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai.
Hiện nay, với đà phát triển hiện có, tỉnh Đồng Nai có chiến lược thu hút đầu tư cao hơn, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, giảm thiểu sử dụng tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Thu hút theo hướng chọn lọc, bền vững
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2020-2025 xác định rõ Đồng Nai sẽ tiếp tục chú trọng thu hút FDI vào nhiều lĩnh vực nhưng sẽ có sự lựa chọn kỹ hơn. Mục tiêu hướng đến của tỉnh là phát triển bền vững, góp phần tăng trưởng ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn và tăng thu ngân sách.
Để làm được điều này, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai đã có những phương hướng chủ động, tích cực. Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội như đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường cải cách hành chính, cải tiến công nghệ,... để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư.
Đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại tỉnh là 1.523 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 31 tỷ USD; trong đó ngoài khu công nghiệp có 168 dự án với tổng vốn đăng ký 4,58 tỷ USD, trong khu công nghiệp có 1.355 dự án với tổng vốn đăng ký gần 26,5 tỷ USD.
Trong hơn 1.500 dự án này, có 1.300 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, các dự án còn lại đang được đầu tư xây dựng. Các nhà đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư cao nhất tại Đồng Nai là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN, châu Âu, châu Mỹ,...
Theo đại diện Tập đoàn Amata, tập đoàn đang gấp rút hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về các lĩnh vực công nghệ cao đã dự tính sẽ đầu tư vào khu công nghiệp này. Điều còn lại là chỉ đợi hạ tầng khu công nghiệp hoàn thành sẽ ký kết thuê đất và xây dựng nhà xưởng.
Theo đại diện lãnh đạo Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp (Tổng công ty Sonadezi), Sonadezi hướng đến sử dụng năng lượng xanh-sạch, năng lượng tái tạo trong phát triển khu công nghiệp để đáp ứng xu thế đầu tư thông minh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
[Đồng Nai ưu tiên thu hút các dòng vốn FDI chọn lọc, chất lượng]
Trong xúc tiến đầu tư, Sonadezi tập trung tiếp thị vào các nhóm khách hàng mục tiêu, có ngành nghề phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn mới và phù hợp với tiêu chí chọn lọc nhà đầu tư của Sonadezi. Theo đó, Sonadezi ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ mới, giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và mang lại hiệu quả về chuyển giao công nghệ.
Để nắm bắt tốt cơ hội thu hút làn sóng đầu tư mới, Sonadezi tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp; nâng cao chất lượng sản phẩm-dịch vụ nhằm gia tăng giá trị, lợi ích đem lại cho khách hàng hiện hữu; đào tạo, phát triển năng lực của đội ngũ cán bộ nhân viên; đồng thời, Sonadezi đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất sạch đón các nhà đầu tư. Sonadezi phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ bao gồm cảng, xử lý chất thải, xử lý nước thải, đào tạo nhân lực và phát triển mạng lưới cung cấp nước để phục vụ khách hàng.
Hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Nhằm triển khai Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch cụ thể cho giai đoạn 2021-2030 để thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, chia sẻ chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư hoạt động tại Đồng Nai.
Tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc bắt đầu đến đầu tư cho đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh; sẵn sàng lắng nghe ý kiến nhà đầu tư để chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tỉnh thực hiện cải cách hành chính rút ngắn thời gian xử lý thủ tục cho nhà đầu tư nhanh chóng gia nhập thị trường.
Sự thành công của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là lời mời gọi doanh nghiệp thiết thực nhất đến đầu tư. Ngoài ra, để thu hút đầu tư đúng định hướng ưu tiên, Đồng Nai tăng cường xúc tiến đầu tư đến các thị trường trọng điểm.
Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp lựa chọn Đồng Nai là nơi đầu tư, nếu doanh nghiệp vướng phải thủ tục hành chính, Sở Kế hoạch-Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cùng Sở Công Thương và các sở ban ngành cùng nhau tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh sẽ kiến nghị lên cơ quan cấp cao để có đánh giá lại và sửa đổi trong tương lai, sao cho phù hợp với mục tiêu thu hút đầu tư hiệu quả của tỉnh, ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai chia sẻ.
Trao đổi về những nỗ lực trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả, ông Kuga Shohei, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn YKK Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch), Trưởng nhóm doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai đánh giá, Công ty YKK đã hoạt động ở Đồng Nai hơn 20 năm. Từ lúc lựa chọn Đồng Nai là nơi đặt nhà máy, YKK được chính quyền tỉnh Đồng Nai hỗ trợ nhiều, từ cơ sở hạ tầng tới các vấn đề về thủ tục khác.
Ông Trần Đức Toàn, chuyên viên pháp chế Công ty Ajinomoto Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nhận xét Đồng Nai đã có những thay đổi lớn trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Thay vì xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp từ một đến hai tuần, nay các hồ sơ được xử lý nhanh chóng trong một đến hai tiếng, không để doanh nghiệp mất thời gian vì những thủ tục đăng kí đầu tư.
Với mục tiêu thúc đẩy Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp trong khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin các dự án đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước liên thông với các lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, tín dụng, ngoại hối, nhằm nâng cao chất lượng thống kê, bảo đảm dữ liệu thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác trong quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng thông tin thêm, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Đồng Nai tăng thêm diện tích quy hoạch các khu công nghiệp giai đoạn 2015-2020 lên 6.500ha. Do đó, tỉnh đang làm công tác quy hoạch để đón nhận các nhà đầu tư mới, nhà đầu tư lớn vào sản xuất ở Đồng Nai.
Tỉnh cũng sẽ quy hoạch những khu công nghiệp mới tập trung gần khu vực sân bay quốc tế Long Thành; thúc đẩy mạnh xây dựng cảng biển Phước An. Trong giai đoạn 2021-2025 tỉnh sẽ quy hoạch thêm một số khu công nghiệp ở một số địa phương như huyện Xuân Lộc, thành phố Long Khánh, huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Tân Phú...
Đồng Nai nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn trong thu hút FDI. Tuy nhiên, để đón được làn sóng đầu tư mới, điểm mấu chốt vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của từng địa phương và của chính mỗi doanh nghiệp, mỗi khu công nghiệp nhằm khẳng định vị thế là điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp FDI./.