Tỉnh Essonne giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Ủy ban vì Làng hữu nghị Vân Canh của tỉnh Essonne tổ chức "Ngày Việt Nam" quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Tỉnh Essonne giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ảnh 1Các đại biểu xem phim tài liệu nói về việc nuôi dưỡng và chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam tại Làng hữu nghị Vân Canh.. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Ngày 1/3, Ủy ban vì Làng hữu nghị Vân Canh của tỉnh Essonne, ngoại ô Paris, đã tổ chức "Ngày Việt Nam" nhằm thể hiện tình hữu nghị và đoàn kết với nhân dân Việt Nam, đồng thời quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam đang được chăm sóc tại Làng hữu nghị Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Tới dự buổi gặp mặt có ông Serge Poinsot, thị trưởng tỉnh Essonne, các thành viên của Ủy ban vì Làng hữu nghị Vân Canh của tỉnh Essonne và Hội cựu chiến binh cộng hòa Pháp (ARAC).

Trong bầu không khí nồng ấm của tình đoàn kết hữu nghị, các đại biểu đã trao đổi, trò chuyện về Việt Nam. Tại hội trường Daniel Fery, nơi diễn ra buổi gặp mặt, rất nhiều các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam như tranh sơn mài, hàng mây tre, thêu ren… được trưng bày trên những chiếc bàn kê dọc theo lối đi.

Đây là các sản phẩm được chào bán nhằm giúp Ủy ban vì Làng hữu nghị Vân Canh của tỉnh Essonne có thêm nguồn tài chính đóng góp cho dự án xây dựng bể bơi có chức năng chữa bệnh tại làng Hữu nghị Vân Canh tại Việt Nam.

Phía trên hội trường, sát với sân khấu, ban tổ chức đã treo rất nhiều các bức ảnh và bài báo phản ánh việc quân đội Mỹ trong chiến tranh đã sử dụng chất dioxin cực kỳ độc hại để rải xuống miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam.

Mở đầu buổi gặp, ban tổ chức đã chiếu bộ phim tài liệu "Trở lại địa ngục" nói về tội ác của quân đội Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam và những hình ảnh đau lòng mô tả cuộc sống giống như ở địa ngục của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, những người là con cháu của những người lính, sinh ra nhiều năm sau chiến tranh, nhưng vẫn phải chịu những di chứng nặng nề do tác động loại hóa chất khủng khiếp này.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Raphael Vahé, Chủ tịch Ủy ban hữu nghị của Pháp vì Làng hữu nghị Vân Canh đồng thời cũng là Chủ tịch Hội ARAC, đã kể lại quá trình xây dựng Làng hữu nghị Vân Canh, một biểu tượng của sự hoà giải và hợp tác nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam và tăng cường tình hữu nghị.

Theo ông Raphael Vahé, xuất phát từ ý tưởng, nguyện vọng của một số cựu chiến binh đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam đứng đầu là ông George Mizo, một cựu chiến binh Mỹ, muốn được hợp tác góp phần xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân trong chiến tranh, dự án Làng Hữu nghị Việt Nam đã được từng bước hình thành trên cơ sở một Ủy ban quốc tế với các Ủy ban quốc gia được thành lập tại Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Anh, Canada và Việt Nam nhằm vận động sự ủng hộ về tài chính cho quá trình xây dựng.

Dự án đó đã được Chính phủ Việt Nam quyết định cho xây dựng tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội.

Được đưa vào sử dụng từ năm 1998, Làng hữu nghị Vân Canh với chức năng kép là bệnh viện-trường học, là nơi nuôi dưỡng, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho khoảng 60 cựu chiến binh và 120 cháu là con các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Tại đây, bên cạnh việc được nuôi dưỡng và chăm sóc, các cháu nhỏ còn được học chữ và học nghề để sau này có thể tự vươn lên trong cuộc sống.

Ông Raphael Vahé cũng thông báo với các đại biểu mô hình hoạt động tại Làng với các "Mẹ" là những người phụ nữ tận tình, thương yêu và chăm sóc từng nhóm các cháu như trong một gia đình thực sự. Ngoài ra, các cháu còn được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao do các nhóm sinh viên tình nguyện hỗ trợ.

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio cũng đã có bài tham luận nói về Hồ Chí Minh, về nhân dân Việt Nam anh hùng đã chiến thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ.

Bà Denise Henry, một thành viên của Ủy ban vì Làng hữu nghị Vân Canh của tỉnh Essonne chia sẻ niềm hạnh phúc của các thành viên trong Ủy ban khi được góp sức xoa dịu nỗi đau da cam tại Việt Nam.

Bà cho biết, các Ủy ban vì Làng hữu nghị Vân Canh được thành lập tại rất nhiều tỉnh và vùng của nước Pháp tạo nên một mạng lưới đoàn kết rộng lớn. Các Ủy ban địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động đa dạng nhằm huy động các nguồn lực tại chỗ thông qua việc bán hàng gây quỹ, tổ chức các buổi hòa nhạc vì mục đích nhân đạo và các bữa cơm từ thiện, các buổi hội thảo nhằm giúp người dân Pháp biết đến nhiều hơn, cảm thông sâu sắc hơn với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục