Tình hình thực hiện "3 tại chỗ" tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An

Trước tình hình dịch bệnh, nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã tiến hành "3 tại chỗ," tùy tình hình từng địa phương mà có những kịch bản khác nhau.
Tình hình thực hiện "3 tại chỗ" tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An ảnh 1Công ty TNHH Compass II tại Bình Dương tổ chức test nhanh kiểm tra COVID-19 cho công nhân để kiểm soát đầu vào trước khi thực hiện '3 tại chỗ'. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Trước tình hình dịch bệnh, nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã tiến hành "3 tại chỗ," tùy tình hình từng địa phương mà có những kịch bản khác nhau.

Doanh nghiệp “3 tại chỗ” phải dừng sản xuất ngay nếu phát hiện dịch bệnh 

Ngày 30/7, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương phát đi văn bản số 2987/BQL-DN gửi đến toàn bộ doanh nghiệp trong khu công nghiệp, yêu cầu khi phát hiện có dịch bệnh xảy ra doanh nghiệp phải lập tức dừng sản xuất ngay, không để lây lan.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, mặc dù được yêu cầu thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm,” xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phát hiện các ca nhiễm vẫn tiếp tục hoạt động.

Để đảm bảo thực hiện 2 phương án trên theo đúng hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được tổ chức sản xuất khi đảm bảo toàn bộ người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Còn khi doanh nghiệp phát hiện có dịch bệnh phải lập tức dừng sản xuất ngay, không để lây lan.

Đối với doanh nghiệp “3 tại chỗ” khi phát hiện các ca F0 hoặc nghi nhiễm qua xét nghiệm phải tạm thời dừng ngay hoạt động sản xuất và thực hiện ngay phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 theo quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

[Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19]

Khi tổ chức xét nghiệm, doanh nghiệp phải có thông báo cho cơ quan y tế phường, xã hoặc trung tâm y tế địa phương nơi doanh nghiệp thực hiện nghiêm các nội dung trên.

Như TTXVN phản ánh, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” (cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang phát sinh các ổ dịch nhiễm COVID-19 trong nhà máy.

Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” bị vỡ kế hoạch sản xuất, buộc phải tạm thời ngừng sản xuất để bảo vệ sức khỏe cho công nhân.

Tính đến ngày 29/7, tổng số doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” là 3.436 doanh nghiệp.

Cụ thể, trong khu công nghiệp có 1.894 doanh nghiệp với gần 273.842 lao động đăng lý làm việc; ngoài khu công nghiệp có 1.542 doanh nghiệp với gần 117.179 lao động đăng ký làm việc.

Chỉ tính riêng hệ thống Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 191 doanh nghiệp đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” với hơn 46.000 công nhân.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, qua sàng lọc có đến 18 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp VSIP có công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các doanh nghiệp trên tạm thời ngừng sản xuất để cơ quan chức năng truy vết, khoanh vùng dập dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

Đồng Nai phát sinh bất cập khi doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa sản xuất vừa phòng chống dịch COVID-19, từ giữa tháng 6/2021, Đồng Nai chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Sau khoảng 1 tháng triển khai, phương án này phát sinh bất cập.

Hiện Đồng Nai có gần 1.200 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với số công nhân tạm trú trong các doanh nghiệp gần 130.000 người. Trước khi vào tạm trú, tất cả người lao động đều được xét nghiệm và âm tính với COVID-19.

Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” đã xuất hiện nhiều ca dương tính với COVID-19. Các ca nhiễm được phát hiện khi doanh nghiệp tiến hành test nhanh công nhân tạm trú.

Ngay khi phát hiện ca bệnh, doanh nghiệp đã liên hệ, phối hợp cùng ngành y tế thực hiện biện pháp phòng chống dịch; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động đang tạm trú bình tĩnh, thực hiện đầy đủ giải pháp phòng chống dịch.

Tuy nhiên, các ca F0, F1 tại doanh nghiệp tăng lên khiến người lao động đang tạm trú trong doanh nghiệp có ca mắc COVID-19 lo lắng, không muốn tiếp tục ở lại làm việc.

Để giải quyết tình trạng trên, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai đã kiến nghị ngành chức năng nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp khoanh vùng, truy vết, cách ly, đưa các F0, F1 ra khỏi công ty.

Sau đó, tiến hành khử khuẩn, xét nghiệm cho toàn bộ người lao động tạm trú còn lại. Nếu lao động có kết quả âm tính và đảm bảo các điều kiện an toàn mới tiếp tục cho sản xuất.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai yêu cầu doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần người lao động tạm trú, không để công nhân tự ý ra khỏi khu vực tạm trú trở về địa phương.

Khi cần thiết giải quyết cho người lao động về địa phương, doanh nghiệp phải báo cáo ngành chức năng liên quan cho ý kiến chỉ đạo, đảm bảo lao động khi trở về địa phương đều được xét nghiệm âm tính COVID-19. Lãnh đạo doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để người lao động tự ý về địa phương làm lây lan dịch bệnh tại nơi cư trú.

Hầu hết doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hàng hóa chủ yếu xuất khẩu, quá trình sản xuất kinh doanh liên quan mật thiết với nhiều đối tác, chuỗi cung ứng trên thế giới.

Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn mong muốn được hoạt động vì ngoài vấn đề lợi nhuận còn liên quan đến các đơn hàng, duy trì chuỗi sản xuất. Phía người lao động cũng muốn được làm việc để đảm bảo thu nhập.

Xuất phát từ thực tế này, Đồng Nai đưa ra chủ trương chỉ đồng ý cho doanh nghiệp hoạt động nếu thực hiện phương án “3 tại chỗ” và triển khai triệt để giải pháp phòng chống dịch COVID-19.

Ngành chức năng sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp sớm giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ,” đảm bảo phòng chống dịch, đồng thời không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Long An ưu tiên, tạo điều kiện cho người lao động làm việc “3 tại chỗ”

Theo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, hiện tại tỉnh đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho người lao động đang ở lại làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Do đó, Ban đã yêu cầu các chủ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn vận động người lao động ở lại thực hiện tiêm vaccine COVID-19.

Tình hình thực hiện "3 tại chỗ" tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An ảnh 2Long An triển khai tiêm 200.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho người lao động. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Đối với trường hợp người lao động có nhu cầu trở về địa phương sau khi tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, các doanh nghiệp thực hiện đăng ký danh sách trước để Ban quản lý khu kinh tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Long An chỉ đạo phương án tổ chức đưa đón người lao động trở về địa phương thực hiện phòng, chống dịch theo quy định.

Trường hợp người lao động tiếp tục ở lại làm việc tại doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp quan tâm chăm lo các điều kiện ăn, ở và thực hiện nghiêm túc 5K và các quy định đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Sở Y tế Long An cho biết, tỉnh đang tổ chức tiêm vaccine COVID-19 đợt thứ 5 với 171.000 liều và chủ yếu tập trung cho người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

Trước tiên sẽ tiêm cho toàn bộ người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ,” sau đó sẽ tiêm tiếp cho lao động ở các doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động.

Hiện đội ngũ y tế của tỉnh đang khẩn trương triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng này và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 17/8.

Từ đó, góp phần phòng chống dịch COVID-19, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phát triển kinh tế ổn định.

Theo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, tỉnh có 930 doanh nghiệp trong 28 khu công nghiệp đăng ký hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với tổng số hơn 49.000 người lao động.

Ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 576 doanh nghiệp; trong đó, có 451 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với gần 26.000 người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.