Tình hình Trung Đông leo thang, vàng tăng giá 5 tuần liên tiếp

Bao trùm thị trường là tâm lý lo ngại về các hoạt động trả đũa giữa Iran và Israel - nhân tố đã kích thích nhu cầu đối với các tài sản vốn được coi là nơi "trú ẩn an toàn."

Vàng thanh tại Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Séc ở Prague. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vàng thanh tại Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Séc ở Prague. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá vàng thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 19/4 và ghi nhận tuần tăng thứ năm liên tiếp.

Bao trùm thị trường là tâm lý lo ngại về các hoạt động trả đũa giữa Iran và Israel - nhân tố đã kích thích nhu cầu đối với các tài sản vốn được coi là nơi "trú ẩn an toàn."

Vào lúc 0 giờ 45 phút sáng ngày 20/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 2.395,15 USD/ounce, sau khi có thời điểm trong phiên vọt lên 2.417,59 USD/ounce. Giá kim loại quý này đã tăng 2,2% trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ trong phiên 19/4 cũng tăng 0,7% lên 2.413,8 USD/ounce.

Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, ông David Meger cho hay tình hình lúc leo thang, lúc hạ nhiệt tại Trung Đông đã chi phối thị trường vàng. Nếu tình hình được kiểm soát, giá vàng sẽ giảm hoặc chững lại khi sức mua để tìm kiếm "nơi trú ẩn an toàn" cạn kiệt.

Các quan chức Fed đã thống nhất quan điểm rằng chưa cấp thiết phải cắt giảm lãi suất. Thị trường hiện đang đồn đoán khoảng 67% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Lãi suất tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Công ty nghiên cứu Antaike nhận định rằng vàng, vốn đã đạt được mức tăng mạnh trong năm nay, sẽ tăng hơn nữa nhờ nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc và những bất ổn vĩ mô.

Công ty nghiên cứu Antaike nhận định rằng vàng, vốn đã đạt được mức tăng mạnh trong năm nay, sẽ tăng hơn nữa nhờ nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc và những bất ổn vĩ mô.

Căng thẳng tại Trung Đông đã tạo đà đi lên cho giá vàng thế giới ngay từ phiên đầu tuần 15/4.

Sang đến phiên 16/4, giá vàng thế giới ổn định nhờ nhu cầu với các tài sản an toàn trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn tại Trung Đông, trong khi số lần hạ lãi suất của Fed trong năm nay có thể ít hơn so với dự kiến trước đó.

Nhu cầu hạ nhiệt đã khiến giá vàng giảm trong phiên giao dịch 17/4, nhưng sau đó đã tăng trở lại trong phiên 18/4 trong bối cảnh tình hình căng thẳng kéo dài ở Trung Đông làm tăng thêm sức hấp dẫn của kim loại quý này, bất chấp dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ.

Nhà phân tích thị trường Everett Millman của Gainesville Coins nhận định rằng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang ở Trung Đông, giá vàng có thể tăng lên mức 2.500-2.600 USD/ounce, còn nếu có lệnh “đình chiến,” giá vàng có thể giảm xuống mức 2.200 USD/ounce.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay phiên 19/4 đã tăng 1,6% lên 28,66 USD/ounce.

Trong khi đó, giá bạch kim giao ngay giảm 0,4% xuống 931,22 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,6% xuống 1.016,91 USD/ounce.

Ngân hàng HSBC đã hạ dự báo giá trung bình năm 2024 đối với bạch kim từ mức 1.105 USD/ounce xuống còn 1.055 USD/ounce và palladium từ mức 1.138 USD/ounce xuống 1.095 USD/ounce./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.