'Tinh hoa Đài Đông,' điểm nhấn rất độc đáo tại triển lãm về Đài Loan

Trong khi đa phần các đại biểu khác từ Đài Loan mong muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh, ký kết hợp đồng làm ăn tại triển lãm Taiwan Expo 2019, đoàn Đại Đông lại có cách tiếp cận theo hướng khác hẳn.
Ông Chung Ching-Bo, Giám đốc sở Văn hóa huyện Đài Đông trả lời phỏng vấn. (Nguồn: Vietnam+)

Giữa không gian náo nhiệt, sôi động của triển lãm Taiwan Expo 2019, một tiếng sáo vẫn vang lên lảnh lót. Âm thanh lúc nhặt lúc khoan, lên trầm xuống bổng, khiến quan khách phải ngoái đầu nhìn về phía nó phát ra, chính là gian hàng mang tên Tinh hoa Đài Đông.

Âm thanh đặc sắc giữa hội chợ

Người thổi sáo là nghệ sỹ Lin Hsiao-Feng. Anh được chính quyền Đài Đông mời tham gia triển lãm cùng 3 xưởng sáng tạo văn hóa địa phương, để phô diễn trình độ chế tác thủ công của người bản địa, đồng thời học hỏi giao lưu văn hóa và có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh.

Một số sản phẩm nổi bật tại hội chợ. (Nguồn: Vietnam+)

Ông Chung Ching-Bo, Giám đốc sở Văn hóa huyện Đài Đông, là quan chức có mặt trong gian hàng ở triển lãm. Ông chia sẻ với phóng viên VietnamPlus lý do lựa chọn Việt Nam để triển lãm các sản phẩm thủ công địa phương.

Nguyên nhân do hai bên có những sự tương đồng về văn hóa nhất định nhờ cái gốc ngữ hệ Nam Đảo. Ngoài ra, giao lưu giữa Đài Loan và Việt Nam ngày càng sôi động. Số lượng cư dân mới của Đài Đông đến từ Việt Nam đã lên đến hơn 1.000 người, khiến đây là nhóm cư dân nước ngoài đông thứ hai ở huyện.

Những yếu tố đó khiến chính quyền Đài Đông muốn đến Việt Nam lần này để giao lưu văn hóa. Ngoài mục tiêu quảng bá, đoàn còn muốn chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa nhiều hơn là tìm kiếm lợi ích thương mại. Đây là lý do Đài Đông đã mời tham dự triển lãm 3 xưởng thủ công hàng đầu trong vùng.

Đầu tiên là xưởng chế tác hạt Atabeads. Từ Atabeads bắt nguồn từ chữ "Ata," có nghĩa hạt có hoa văn trang trí theo ngôn ngữ cổ của người Paiwan thiểu số ở Đài Loan. Xưởng Atabeads dùng từ này để định vị thương hiệu trong lòng người dùng.

Để chế tác các hạt màu, xưởng phải nung nguyên là các sợi thủy tinh đa sắc lên nhiệt độ hàng trăm độ C. Khi ấy vật liệu sẽ chảy mềm ra vì nhiệt và các nghệ nhân sẽ quấn chúng vào một chiếc cọc sắt, dần tạo hình thành hạt. Họ cũng tiến hành trang trí trực tiếp thẳng trên thiết bị nung. Sản phẩm cuối cùng là những hạt màu đa sắc, với hoa văn độc đáo, đẹp mắt.

Một số sản phẩm nổi bật tại hội chợ. (Nguồn: Vietnam+)

Mỗi một loại hoa văn trên các hạt Atabeads chứa đựng những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ hạt Kurakuraw có ý nghĩa tôn vinh tình bạn, tình yêu;  hạt Alisnakuti có ý nghĩa trường thọ, đẹp đẽ; hạt Tagaraus chứa sức mạnh thần thánh; hạt Adaw có ý nghĩa hẹn thề; hạt Palic thể hiện sự thuần khiết trong khi hạt Marutamulang thể hiện sự bình an...

Người thợ thủ công khi tạo ra hạt Ata sẽ chuyển vào trong nó những ý nghĩa riêng. Vì thế các hạt Ata luôn độc đáo, không giống nhau và có thể chứa nhiều thông điệp đa dạng. Những hạt này sau đó sẽ được kết hợp thành dây chuyền đeo cổ, dây đeo tay hoặc móc treo chìa khóa...

Theo cô Lin Hsiu-hui của Atabeads, xưởng muốn chuyển tải lịch sử bộ tộc Paiwan thông qua các sản phẩm thủ công. Đồng thời xưởng vẫn đặt tham vọng hiện đại hóa các hạt Ata. Ngoài các hoa văn và họa tiết truyền thống, xưởng còn sáng tạo ra nhiều mẫu thiết kế mới lạ, ví dụ kết hợp vàng bạc trong các sản phẩm thủ công.

Sản phẩm nổi bật của văn hóa Amis

Cùng với người Paiwan, 5 bộ tộc khác gồm người Amis, Bunun, Pinuyumayan, Rukai và Tao đã tìm tới Đài Đông sinh sống. Trong đó người Amis hiện chiếm xấp xỉ 37,1% quy mô dân số thổ dân của Đài Loan, khiến họ trở thành nhóm dân thiểu số lớn nhất.

Có lẽ vì lý do này mà hai xưởng thủ công còn lại đều bắt nguồn từ văn hóa của người Amis. Cô Lin Jung-yi thuộc xưởng Atelier là một nghệ nhân làm vải từ vỏ cây. Hình thức làm vải này khá phổ biến tại khu vực các quần đảo ở Thái Bình Dương và người Amis đã duy trì nó trong nhiều thế hệ. Tuy nhiên thế hệ trẻ hiện không còn muốn duy trì nghề này, khiến nó có nguy cơ biến mất.

Một số sản phẩm nổi bật tại hội chợ. (Nguồn: Vietnam+)

Khi Lin lần đầu tiếp xúc với vải làm từ vỏ cây, cô đã đã cảm nhận rõ giá trị Amis đang chảy trong huyết quản. Vì thế cô quyết định học nghề, để bảo tồn truyền thống và tiếp tục giới thiệu rộng rãi sản phẩm với nhiều người thuộc thế hệ sau.

Vải làm từ vỏ cây phải trải qua một quy trình chế tác rất công phu. Vỏ cây dâu tằm đặc trưng của vùng Đài Đông sẽ được bóc ra khỏi thân cây. Vỏ cây mang về sẽ được làm sạch rồi tách làm hai lớp. Lớp vỏ ngoài sẽ được vứt bỏ, trong khi lớp vỏ phía trong được giữ lại.

Phần vỏ này sẽ được phơi nắng trước khi được mang đi ngâm nước cho mềm. Sau quá trình ngâm, vỏ cây sẽ được người Amis dùng dụng cụ đập cho mỏng ra. Khi các đoạn vỏ cây đã đạt độ mỏng theo như yêu cầu, vài đoạn sẽ được ghép vào nhau bằng kỹ thuật đập chồng mép hai lớp vỏ. Như thế người Amis có thể tạo ra những tấm vải với độ dài và rộng theo ý muốn.

Chất liệu có thể được sử dụng với vân gỗ nguyên bản hoặc được nhuộm màu. Do vỏ cây không giống nhau nên sản phẩm cuối sẽ có các loại vân độc đáo, không tấm vải nào giống tấm nào. Người ta có thể sử dụng sản phẩm này để làm trang phục hoặc trang trí nhà cửa.

Lin đã tiến một bước xa hơn khi dùng vải vỏ cây nhuộm màu làm nguyên liệu chế tác nữ trang như khuyên tai, nhẫn, vòng. Cô còn thử nghiệm kết hợp vải từ vỏ cây với vải hiện đại để tạo ra các bộ trang phục đẹp mắt. Chính những sự sáng tạo như thế đã góp phần nâng cao nhận thức của dư luận về một nghề truyền thống và giúp tạo chỗ đứng cho sản phẩm trong xã hội hiện đại.

Một số sản phẩm nổi bật tại hội chợ. (Nguồn: Vietnam+)

Cùng góp mặt trong gian hàng của Đài Đông ở triển lãm Taiwan Expo 2019 còn có xưởng Mima-an. Cô Kao Ming-wei từ Mima-an cho biết vật liệu tự nhiên được người Amis sử dụng nhiều nhất là bẹ lá cây cau. Trước đây bẹ cau thường được dùng làm đồ đựng thức ăn. Ngoài ra do vật liệu có đặc tính mềm, dễ uốn và tạo hình khi nhúng nước nên người Amis còn dùng chúng làm nhiều sản phẩm khác nhau.

Nhận thấy ưu điểm của bẹ cau, xưởng Mima-an đã quyết định làm sản phẩm dựa trên nguyên liệu này, để vừa bảo tồn văn hóa, đồng thời vẫn có thể sáng tạo ra các ứng dụng mới cho nguyên liệu truyền thống này.

Xưởng hiện chế tác bẹ trầu theo các kỹ thuật hoàn toàn thủ công. Theo đó bẹ trầu thu về sẽ được rửa sạch bằng nước không dùng hóa chất tẩy rửa, phơi khô rồi ép mỏng. Do không dùng hóa chất nên bẹ trầu vẫn giữ được mùi hương thơm tự nhiên.

Một số sản phẩm nổi bật tại hội chợ. (Nguồn: Vietnam+)

Từ phần bẹ đã được sơ chế, xưởng sẽ tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau. Một trong những sản phẩm nổi bật nhất là các đôi dép với đế làm từ bẹ cau. Vật liệu này được lựa chọn làm đế dép bởi nó có khả năng hút ẩm và chống các mùi hôi khó chịu.

Quai dép làm từ thành phần cao su tự nhiên, được thêu các hoa văn đa sắc, đẹp mắt theo hình mẫu vật tổ truyền thống của người Amis. Những yếu tố này khiến các đôi dép của xưởng Mima-an 100% thân thiện với môi trường. Khi không có nhu cầu sử dụng nữa, người ta hoàn toàn có thể vứt bỏ mà không phải lo chúng có thể gây hại tới môi trường.

Quy trình sản xuất sản phẩm của xưởng Mima-an hiện nay cũng không gây nhiều sự lãng phí về vật liệu. Đơn cử như với các đôi dép kể trên, khi tạo phần đế người ta phải cắt bớt nhiều phần bẹ cau thừa.

Các mẩu bẹ cau này sẽ được tận dụng để làm sản phẩm khác. Người ta có thể ghép nhiều mẩu bẹ thừa thành một mảng trang trí đẹp mắt và gắn vào hộp đựng danh thiếp. Họ cũng có thể dùng chúng làm hoa tai.

Do bẹ cau có đường vân tự nhiên độc đáo nên người ta cũng có thể dùng chúng để tạo thành các khung tranh hoặc hình ghép trang trí bắt mắt. Thậm chí hình ảnh quả cau còn được xưởng Mima-an sử dụng để in lên vải, tạo thành các sản phẩm rất bắt mắt.

Điểm đến du lịch văn hóa

Gian hàng thấm đẫm tính văn hóa của Đài Đông trở nên thu hút hơn còn vì sự hiện diễn của nghệ sỹ Lin Hsiao-Feng. Anh sinh tại Đài Bắc, Đài Loan và ngay từ nhỏ đã được cha hướng tới việc chơi sáo trúc. Sau khi Lin học xong tiểu học, anh đã được đưa sang tận Nội Mông để học kỹ thuật chơi sáo từ nhiều nghệ sỹ nổi tiếng.

Sở trường của Lin là diễn tấu sáo, tiêu… Anh cũng thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại nhạc cụ thổi của các dân tộc trên thế giới. Vì vậy, hình thức biểu diễn của anh luôn dung hòa giữa truyền thống và hiện đại. Anh cũng thích biến tấu tự do và thử nghiệm âm nhạc trong thế giới âm nhạc hiện đại.

Thời gian gần đây, Lin đã dành tâm sức tham gia nhiều hoạt động hợp tác nghệ thuật, gồm thơ ca, thư pháp, hội họa, khiêu vũ, nghệ thuật trình diễn và âm nhạc thử nghiệm. Năm 2015, Lin được mời dự Liên hoan âm nhạc biến tấu quốc tế Đài Loan thứ nhất cũng như Liên hoan sao trúc Đài Loan thứ nhất. Năm 2017, Lin được lựa chọn là Ngôi sao âm nhạc mới của thành phố Đài Bắc với chương trình hòa nhạc “Jiang-Hu Forgetfulness."

Một số sản phẩm nổi bật tại hội chợ. (Nguồn: Vietnam+)

Tại Taiwan Expo 2019, Lin gây ấn tượng với màn trình diễn sáo mũi, là món "khai vị" đặc sắc trước khi các vị khách có thể tiếp tục thưởng thức các giá trị văn hóa tại quầy hàng của Đài Đông.

Sự kết hợp khéo léo của âm nhạc với hàng loạt sản phẩm thủ công đẹp mắt, chứa đầy yếu tố sáng tạo dựa trên truyền thống văn hóa chắc chắn sẽ khơi dậy sự tò mò của khách tham quan với Đài Đông, khiến họ muốn tìm hiểu hơn nữa về nơi này. Và đó chính là mục tiêu mà ông Chung cùng chính quyền Đài Đông muốn đạt được.

"Chúng tôi đang rất nỗ lực để quảng bá cho khung cảnh sáng tạo ở địa phương," ông Chung nói. Theo ông, chính quyền địa phương đang xây dựng hình ảnh Đài Đông như một điểm đến du lịch văn hóa, là nơi chứa đầy giá trị bản sắc, truyền thống và nghệ thuật. Đây là nơi người ta tìm về để sống chậm, để đắm mình trong không gian thấm đẫm truyền thống và văn hóa.

Khi chia tay, ông Chung đã nói một câu vừa như lời chào từ biệt, vừa như một lời mời: "Xin hẹn gặp lại tại Đài Đông, để các bạn có thể tự mình thu lấy những trải nghiệm từ mảnh đất của chúng tôi."

Đài Đông là một thành phố nằm ở Đông Nam Đài Loan. Đây là một trong các đô thị lớn nằm ở bờ biển phía Đông hòn đảo, với diện tích rộng khoảng 100km² và quy mô dân số xấp xỉ 100.000 người.

Đài Đông nằm trên một địa hình dài và hẹp, nằm giữa các ngọn núi và Thái Bình Dương. Điều này khiến nơi đây không chỉ có cảnh đẹp hút mắt mà còn có khí hậu cực kỳ dễ chịu.

Đài Đông hiện nổi tiếng vì là nơi diễn ra nhiều lễ hội quốc tế như lễ hội khinh khí cầu và cuộc thi lướt sóng thế giới. Đây còn là một địa phương có đông người thiểu số thuộc nhiều bộ tộc sinh sống nên có nội lực văn hóa truyền thống rất mạnh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục