Tỉnh Nghệ An đã quyết định sẽ dừng cấp phép các dự án thủy điện vô thời hạn, mặc dù các thủy điện đang đem lại những hiệu quả kinh tế-xã hội không thể phủ nhận cho địa phương.
Bên cạnh những hiệu quả tích cực mà các dự án thủy điện mang lại thì việc phát triển nhiều các dự án thủy điện đang để lại nhiều hệ quả xấu, rõ nhất là thay đổi môi sinh, môi trường; đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân miền núi.
Đặc biệt vào mùa mưa lũ, tại một số địa phương trong tỉnh, nhà máy thủy điện xả lũ cộng với lũ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt nghiêm trọng, sạt lở đất đá, cuốn trôi nhà cửa, cầu cống, đường giao thông.
[Xây nhà máy điện: Cân nhắc môi trường và hiệu quả kinh tế]
Hằng năm, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến của cử tri đã phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan chức năng ở Trung ương và tỉnh Nghệ An về việc cần phải dừng cấp phép phát triển các dự án thủy điện.
Gần đây nhất, đợt mưa lũ trong tháng 8 và tháng 9/2018, một số nhà máy thủy điện xả lũ đã gây ngập lụt nặng, thiệt hại lớn cho nhiều địa phương miền núi.
Sau đợt lũ lụt, các nhà máy thủy điện có trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người dân. Tỉnh Nghệ An ghi nhận thái độ, quan điểm của các nhà máy thủy điện trong việc chia sẻ những thiệt hại của người dân; trong đó có việc hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho rằng thiệt hại và tác hại của một số dự án thủy điện gây ra là rất lớn. Sự hỗ trợ của một số nhà máy thủy điện so với thiệt hại mà các nhà máy này gây ra là quá nhỏ.
Nghệ An hiện có 32 dự án thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất 1.356,9 MW; trong đó có 12 dự án đã phát điện, với tổng công suất 739,5 MW.
Ngoài các nhà máy thủy điện lớn như Bản Vẽ, Khe Bố, Hủa Na thì các dự án thủy điện nhỏ còn lại chủ yếu được xây dựng tại các sông suối, nhánh sông suối thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn./.