Tỉnh Quảng Nam công bố chỉ dẫn địa lý loại sâm tốt nhất thế giới

Ngoài tác dụng tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, sâm Ngọc Linh còn có các tính năng mà các loại sâm khác không có như kháng khuẩn, chống trầm cảm.
Tỉnh Quảng Nam công bố chỉ dẫn địa lý loại sâm tốt nhất thế giới ảnh 1Củ cây sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý ở Việt Nam cũng như trên thế giới. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 29/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức công bố chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ. Khu vực địa lý được cấp giấy chứng nhận là xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Sâm Ngọc Linh là loại thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, thân rễ nhiều đốt cong, dài từ 3,5cm đến 10,5cm, đường kính từ 0,5cm đến 2cm, mặt ngoài có màu nâu hoặc vàng xám. Rễ củ có dạng hình con quay dài 2,4 đến 4cm, đường kính 1,5cm đến 2cm, màu nâu nhạt, có những vân ngang và các nốt rễ con, thể chất nạc, chắc, khó bẻ gãy.

Sâm Ngọc Linh là có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.

Có thể nói rằng, cả thế giới chỉ có Việt Nam và cả Việt Nam chỉ có 2 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, tại 2 tỉnh này cũng chỉ có 5 huyện với 16 xã là có sâm Ngọc Linh. Qua đó, có thể thấy sâm Ngọc Linh là cây bản địa Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,...

Việc bảo tồn và phát triển diện tích sâm đang trở nên cấp bách, không chỉ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, mà còn bảo tồn được nguồn gen quý hiếm.

Ông Trần Việt Thanh, Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Phát huy lợi thế về điều kiện sản xuất, hình thành những chuỗi giá trị nông sản bền vững là điều mà Việt Nam đang hướng đến.

Trong thời gian tới, Quảng Nam cần tiếp tục tập trung hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp để đảm bảo quyền và lợi ích trong việc trồng và chế biến sâm Ngọc Linh. Tăng cường thu hút, nghiên cứu các giải pháp công nghệ phù hợp để giúp người trồng sâm nâng cao sản lượng.

Quảng Nam cũng cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ sâm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách cũng như nhân dân

Là người đại diện cho địa phương có vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh vừa được công nhận chỉ dẫn địa lý, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My cho biết Ủy ban Nhân dân huyện tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ huyện đến xã và đặc biệt là sự tham gia của người dân vào công tác quản lý, bảo vệ chỉ dẫn địa lý đối với sâm Ngọc Linh.

Địa phương chỉ trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh bản địa, không lai tạp các sản phẩm sâm khác. Tổ chức phát triển cây sâm Ngọc Linh ra các xã trên địa bàn huyện theo đúng quy hoạch của tỉnh đã phê duyệt.

Huyện hỗ trợ người dân trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh theo cơ chế đã được tỉnh thông qua; bảo vệ các cây sâm gốc, cây sâm có chất lượng cao để lấy hạt làm giống nhằm duy trì, phát triển nguồn gen gốc.

Huyện cũng triển khai đề án phát triển vùng sâm gốc để bảo tồn nguồn gen quý và tạo giống cho nhân dân trồng; cương quyết trong việc quản lý và giám sát nguồn giống cung ứng trên địa bàn để kịp thời loại bỏ những giống kém chất lượng….

Tuy nhiên, hiện nay duy trì giống sâm quý này rất khó khăn, chất lượng giống chưa được kiểm định. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My đề nghị Nhà nước cần có chính sách nghiên cứu, hỗ trợ giống sâm chất lượng cho nhân dân trồng; có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp nghiên cứu để sản xuất ra các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.

Tổ chức nghiên cứu và thực hiện di thực cây sâm Ngọc Linh từ dãy núi Ngọc Linh ra những nơi khác, nhằm phát triển rộng rãi loại cây này. Cùng với đó mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia trồng sâm nổi tiếng trên thế giới trong việc trồng và chế biến các sản phẩm từ sâm…

Sâm Ngọc Linh hiện có giá rất cao, từ 45 triệu đồng đến hơn 150 triệu đồng/kg, tùy theo kích thước, độ tuổi của sâm. Huyện Nam Trà My xác định sâm Ngọc Linh là cây xóa nghèo nên huyện cung cấp giống cho người dân trồng được 1 năm tuổi và phát triển rất tốt.

Tháng 9/2015, Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 chính thức được Chính phủ phê duyệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.