Tỉnh Quảng Ninh xúc tiến đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa

Ngày 13/11, tại Hạ Long, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu giữa các cơ quan đại diện thương mại nước ngoài với tỉnh Quảng Ninh và doanh nghiệp
Lãnh đạo Bộ Công thương và UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trị hội nghị. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Lãnh đạo Bộ Công thương và UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trị hội nghị. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngày 13/11, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu giữa các cơ quan đại diện thương mại, tổ chức Xúc tiến thương mại nước ngoài với tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Gần 50 đại biểu đại diện đại sứ quán đến từ 27 các quốc gia như Algeria, Bungaria, Hungary, Lào, Campuchia, Canada, Chile, Mexico, Pháp, Italy, Hà Lan, Ai cập, Ba Lan, Nga, Ukraine, Uruguay, Sri Lanka… và 2 đại biểu đến từ tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài (KOTRA Hanoi); đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Hội nghị còn có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết hội nghị là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương tổ chức. Điều này nhằm hỗ trợ, kết nối các địa phương có tiềm năng xuất khẩu, có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại với các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Qua sự kiện này, Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh muốn tạo cơ hội để các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam tìm hiểu tiềm năng, khảo sát thị trường, kết nối với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư giữa các bên.

[Quảng Ninh: Dùng ngân sách làm “vốn mồi” để thu hút các nhà đầu tư]

Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin, từ đầu năm đến nay, dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 và gần đây là thiên tai hết sức nặng nề diễn ra ở miền Trung Việt Nam, song Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi nền kinh tế, Việt Nam vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng dương ở mức khá.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 10 tháng qua đạt 439,82 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm nay của Việt Nam xuất siêu 18,72 tỷ USD...

Riêng về Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng thông tin Quảng Ninh hiện có 3 cửa khẩu đường bộ quốc tế, 4 cảng biển quốc tế, 1 sân bay quốc tế, có 5 khu kinh tế và 11 khu công nghiệp.

Ngoài ra, Quảng Ninh có khu kinh tế ven biển là Vân Đồn được định hướng phát triển thành khu dịch vụ-du lịch đẳng cấp quốc tế và khu kinh tế ven biển Quảng Yên định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ logistic và cảng biển. Đây là những yếu tố cốt lõi để Quảng Ninh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế-xã hội Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng khoảng 10,7%; quy mô nền kinh tế đạt 209.247 tỷ đồng, tăng gấp 1,83 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 6.500 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 11,6%/năm, đạt 275,9 triệu đồng/người năm 2020, tăng gấp 1,73 lần so với năm 2015.

Nhiều năm liền, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước trong bảng xếp hạng Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (Par Index). Năm 2019, Quảng Ninh cũng đứng thứ nhất cả nước về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và đứng thứ 3 về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Tỉnh Quảng Ninh xúc tiến đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ảnh 1Đại biểu tham dự hội nghị phát biểu. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn 2020-2025 là phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh.

Tỉnh phát triển chuỗi đô thị sinh thái-dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch-công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp. Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa các hoạt động kết nối với bạn bè thế giới.

Tại hội nghị, nhiều câu hỏi của các đại biểu của các cơ quan đại diện thương mại, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài về cơ chế chính sách đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giải đáp chi tiết.

Nhân dịp này, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương Quảng Ninh, Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, hỗ trợ xúc tiến thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.