Ngày 9/9, tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ kỷ niệm 180 năm (1836-2016) hình thành và phát triển.
Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố phía Nam; đại diện một số tỉnh của Vương quốc Campuchia.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc mừng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh nhân sự kiện quan trọng này.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh cần tiếp tục phát huy truyền thống, năng động sáng tạo, giành nhiều kết quả to lớn về cơ cấu kinh tế, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên; quốc phòng, an ninh được củng cố.
Thời gian tới, Tây Ninh cần phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế vượt trội là kề cận với Thành phố Hồ Chí Minh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát; cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia, là đầu mối giao thương trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, du lịch, thương mại giữa các nước trong tiểu vùng sông Mekong thông qua đường xuyên Á đi qua bằng đường bộ sang Campuchia.
Song song với đó, Tây Ninh cũng cần tập trung phát triển công nghiệp, đáng chú ý là công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh và công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có hàm lượng chất xám cao; ưu tiên huy động nguồn nhân lực để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch với các địa danh như: Di tích Quốc gia đặc biệt Trung ương cục miền Nam, Tòa thánh Cao Đài, Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân, từ một tỉnh với hơn 80% dân số chủ yếu sống bằng nghề nông, nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, đến nay Tây Ninh đã có bước phát triển, với mức tăng trưởng bình quân (giai đoạn 2010-2015) là 11,1%.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; tỷ trọng cơ cấu công nghiệp và thương mại, dịch vụ tăng nhanh từ 23 % (năm 1985) lên 75% (năm 2015). Từ chỗ chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh nào đáng kể, đến nay đã phát triển trên 4.200 doanh nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đăng ký gần 4 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước đăng ký đạt gần 40.000 tỷ đồng; thu ngân sách từ khoảng 3 tỷ đồng năm 1985 thì đến năm 2015 đạt gần 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Trung ương quan tâm chỉ đạo, xây dựng Hồ Dầu Tiếng, công trình thủy nông lớn nhất nước, mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiện, Tây Ninh đã có hệ thống giao thông tương đối phủ khắp; hệ thống thủy lợi trải đều trên đồng ruộng; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99%; tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 97%; bưu chính, viễn thông phát triển.
Hệ thống trường học, bệnh viện được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu ngày càng tốt hơn cho nhân dân. Bộ mặt nông thôn, đô thị được xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp ngày càng khang trang, văn minh, sạch đẹp hơn, có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Tây Ninh đạt đô thị loại III và trở thành thành phố thuộc tỉnh vào năm 2013.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt trên 55 triệu đồng, tăng gấp 55 lần so với năm 1976; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 4,3%.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, gia đình có công với nước được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Đến nay, tỉnh đã cơ bản xóa xong nhà tạm bợ, nhà dột nát cho hộ nghèo./.