Tỉnh Thái Nguyên chủ động xúc tiến thu hút đầu tư tại New York

Thái Nguyên muốn tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt những dự án có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như các dự án công nghiệp hỗ trợ; dự án chế biến sâu khoáng sản.
Tỉnh Thái Nguyên chủ động xúc tiến thu hút đầu tư tại New York ảnh 1Thu hoạch chè búp tươi tại huyện Đồng Hỷ. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Ngày 16/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại New York (Mỹ) tổ chức chương trình tọa đàm doanh nghiệp tại New York nhằm giới thiệu thị trường và cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp.

Tham gia tọa đàm có đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, VCCI và đoàn doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên và các doanh nghiệp Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu những thế mạnh cũng như kế hoạch phát triển trong thời gian tới của tỉnh.

Theo ông, Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 80km, có hệ thống giao thông thuận lợi. Toàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp FDI.

Vừa qua, tập đoàn Samsung đã đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên với số vốn đăng ký trên 6 tỷ USD cùng với hàng chục doanh nghiệp phụ trợ với tổng số vốn đăng ký hiện trên 7 tỷ USD.

Hiện toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp đã được qui hoạch với diện tích đất hàng nghìn hécta.

Tỉnh đang đề nghị chính phủ cho xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích sử dụng đất trên 500 hécta.

Thái Nguyên cũng là tỉnh có nhiều lợi thế về tiềm năng khoáng sản như than, sắt, vàng, chì, kẽm, titan, vonpram…

Hiện tỉnh có các cơ sở sản xuất chế biến lớn đang hoạt động như khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên.

Mỏ khoáng sản đa kim Núi Pháo của tỉnh cũng có trữ lượng vonpram lớn nhất trong khu vực…

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, tỉnh quan tâm đầu tư đặc biệt tới cây chè - sản phẩm nổi tiếng của tỉnh cũng như Việt Nam.

Đặt mục tiêu trở thành tỉnh trung tâm vùng với cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tỉnh công nghiệp thời gian tới, Thái Nguyên mong muốn tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt những dự án có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như các dự án công nghiệp hỗ trợ; dự án chế biến sâu khoáng sản; dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; dự án chế biến chè phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; dự án khu dân cư-đô thị; dự án xử lý về môi trường như: xử lý rác thải, nước thải…

Về cơ hội xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh Thái Nguyên sang thị trường Mỹ, ông Rusell K. Statman, Giám đốc Điều hành Công ty Registrar cho rằng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng là việc nắm bắt và áp dụng quy định luật pháp Mỹ về xuất nhập khẩu.

Hệ thống pháp luật Việt Nam và Mỹ có nhiều điểm khác biệt, do đó doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ cần nắm rõ quy định sở tại.

Với các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp cần nắm vững quy định của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để tránh những vấn đề không đáng có.

Ông Statman chia sẻ đặc sản chè của Thái Nguyên cũng có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.